Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về bệnh đậu mùa khỉ. Ðồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng vào mùa mưa rét, kéo giảm các nguy cơ bệnh tật. Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2022 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm. Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh có thể lây truyền từ các loại động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ, sóc và chó nhà sang người. Mặc dù vi rút đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm trên nhiều loại động vật có vú, tuy nhiên đến nay, hầu hết các ca thành bệnh đậu mùa khỉ chỉ được ghi nhận trên người. Các ca bệnh phát hiện ở động vật rất hiếm; đường lây lan chủ yếu từ người sang người do tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tốt công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. - Trong ảnh: Cán bộ kiểm dịch kiểm tra một xe chuyên chở gia súc qua địa bàn tỉnh. Ảnh: NGỌC DIỆP
Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh trên động vật song trước tình hình này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động nắm bắt thông tin, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ cho đàn vật nuôi. Tại Bình Định, ngay khi có thông tin ban đầu về bệnh đậu mùa khỉ, UBND tỉnh đã giao ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; tăng cường các biện pháp chống dịch bệnh nói chung, chăm sóc cho đàn vật nuôi theo các khuyến cáo của cơ quan thú y. Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh mới, nguy hiểm. Trước mắt giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tập trung vào công tác truyền thông, cung cấp thông tin để người dân nhận diện về nguy cơ từ bệnh này nhiều hơn, từ đó tăng tính tự giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khuyến cáo người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ; người bị bệnh hoặc người tiếp xúc gần với người bệnh không nên vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ và ăn chung với thú cưng. Về công tác chuyên môn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, lực lượng thú y cơ sở triển khai các công tác như: Tuyên truyền thông tin, tổ chức phòng, chống dịch. Trường hợp phát hiện dịch, Chi cục phối hợp với CDC và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Thời gian tới, Chi cục chuẩn bị kế hoạch phối hợp với CDC tổ chức các lớp truyền thông, tập huấn về nhận diện bệnh đậu mùa khỉ, các giải pháp phòng tránh cho đàn vật nuôi để người dân nắm bắt thông tin. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục chủ động liên lạc các địa phương để nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh. Triển khai xây dựng các nội dung hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đối với bệnh đậu mùa khỉ, trước mắt ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp chung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chú trọng vào các yếu tố phòng bệnh như: Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng các bệnh đúng lịch, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hợp lý; đặc biệt là tập trung cho công tác truyền thông, cung cấp thông tin để người dân nắm bắt, hiểu được hệ lụy và tính nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, bên cạnh công tác chuyên môn của ngành, Sở có văn bản đề nghị ngành Y tế hỗ trợ cung cấp thông tin, tập huấn. Đồng thời, giao Chi cục Kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã, chủ động hướng dẫn, thông tin tuyên truyền và yêu cầu các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. THU DỊU
Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn: