Để xứng đáng với sứ mệnh của mình, Đảng phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hiền, vừa minh, thể hiện đúng tầm “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Là người lãnh đạo, cần phải có trí tuệ, trình độ, năng lực, sáng suốt hơn người, nhìn xa trông rộng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, để xứng đáng với sứ mệnh của mình, Đảng phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hiền, vừa minh, thể hiện đúng tầm “Đảng là đạo đức, là văn minh”. “Đảng có vững cách mạng mới thành công” |
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử. Trong các nội dung của Di chúc, phần nói về Đảng được Bác đặt lên vị trí hàng đầu.
Người đã nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Luận điểm “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, không chỉ chứng tỏ tư duy đặc sắc của Bác Hồ về một Đảng Cộng sản cầm quyền kiểu mới, mà còn thể hiện chiều sâu nhân văn của một nhà tư tưởng vĩ đại.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác đã khẳng định ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ 20: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì tổ chức và vận động dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Từ ngày thành lập Đảng (3-2-1930) đến nay, lịch sử dân tộc ta đã kiểm nghiệm:
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có đủ khả năng đảm đương lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời; 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hoàn toàn thắng lợi; cùng với những thành tựu to lớn của hơn ba thập kỷ đổi mới vừa là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở, lý do khẳng định về vai trò lịch sử của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.
Đảng là “Người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”
Điều này thể hiện ở chỗ: Đảng ta là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, như lời Bác Hồ từng chỉ ra: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân và một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Điều này được biểu hiện rất sinh động trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dù ở đâu, làm gì, Đảng ta cũng được nhân dân che chở, đùm bọc, giúp đỡ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cơ sở cách mạng và giữ gìn bí mật của Đảng. Không phụ lòng tin của nhân dân, Đảng ta luôn giữ vững ý chí chiến đấu, lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị và khí phách của những người cộng sản để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba bão tố.
Ra đời và trưởng thành trong phong trào giải phóng dân tộc, Đảng ta thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa, giá trị của nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, Đảng ta thường xuyên quan tâm chăm lo từ việc lớn là “làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” đến việc nhỏ như lo “tương, cà, mắm, muối” cho mỗi người dân.
Có thể khẳng định rằng, gần 90 năm qua, Đảng ta đã cơ bản hoàn thành bổn phận là người phục vụ trung thành lợi ích của nhân dân và dân tộc, xứng đáng với tư cách một Đảng cách mạng chân chính, một Đảng của dân, vì dân.
Cần giải quyết tốt mối quan hệ “hai trong một”
Mối quan hệ giữa “Đảng là người lãnh đạo” và “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” là mối quan hệ mật thiết hữu cơ, thiếu một trong hai yếu tố đó, Đảng không còn lý do để tồn tại. Nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không chỉ để thực hiện tốt chức năng, vai trò “người lãnh đạo”, mà chính là để làm tròn bổn phận cao cả của “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Mặt khác, nếu Đảng thực hiện đúng vai trò là người toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì rõ ràng Đảng đang thể hiện một cách chân thực, đầy đủ bản chất cách mạng cao đẹp và phẩm chất, năng lực thực tiễn của mình trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Là người đầy tớ thì phải có những phẩm chất trung thành, tận tụy, trung thực, cần kiệm, liêm chính, lo trước thiên hạ, vui sau mọi người.
Là người lãnh đạo, cần phải có trí tuệ, trình độ, năng lực, sáng suốt hơn người, nhìn xa trông rộng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, để xứng đáng với sứ mệnh của mình, Đảng phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hiền, vừa minh, thể hiện đúng tầm “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Vấn đề đặt ra ở đây là, thực hiện vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân có mâu thuẫn với nhau không? Nếu mâu thuẫn thì có giải quyết được không? Đây là mâu thuẫn tồn tại trong sự thống nhất. Giải quyết thành công mâu thuẫn này là động lực thúc đẩy Đảng phát triển tiến bộ. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng đề ra; nhưng mặt khác, Đảng là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị và là một thành viên trong hệ thống ấy.
Để Đảng không đi chệch hướng, nhất thiết Đảng phải phục tùng sự giám sát của nhân dân. Hay nói cách khác, nhân dân chỉ tin và làm theo những gì Đảng đúng và Đảng phải thực sự quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực và chính đáng của nhân dân. Thực ra, thực hiện vai trò lãnh đạo chỉ là con đường, phương pháp, còn suy cho cùng, mục đích trước hết và trên hết của Đảng vẫn là phục vụ lợi ích tối cao của nhân dân và dân tộc.
Bác Hồ từng nói: “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài”, và Người căn dặn: “Bất kỳ ở địa vị nào, công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”.
Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng Đảng trong những năm qua cho thấy, không phải lúc nào, ở đâu, chúng ta cũng làm đến nơi đến chốn lời di huấn của Bác Hồ: “Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thành tựu lãnh đạo cách mạng của Đảng không thể và không ai có quyền phủ nhận. Nhưng những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, nhất là 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã chỉ ra, do một phần nhận thức chưa đầy đủ và thực hiện chưa trọn vẹn ý Bác là Đảng phải vừa thể hiện xứng đáng vai trò lãnh đạo, vừa là người tận tâm tận lực phục vụ nhân dân. Đã và đang xuất hiện một bộ phận đảng viên, cán bộ có chức quyền thiên về mặt “lãnh đạo”, ít hoặc chưa làm tròn trách nhiệm, bổn phận “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đừng quên lời Bác Hồ căn dặn
Cách đây 71 năm, sau khi nước ta mới giành độc lập, trong thư “Gửi các đồng chí Bắc Bộ” (ngày 1-3-1947), Bác Hồ đã cảnh báo: “Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách mạng, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng”, “bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân... Có những đồng chí giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí chăm lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”.
Lời Bác Hồ cảnh báo đến nay vẫn chưa hết tính thời sự. Vì thực tế vẫn có những cán bộ đã phát huy triệt để “quyền” của người lãnh đạo, trong khi đó lại hạn chế đến mức có thể làm “đầy tớ, công bộc” tận tụy của nhân dân. Cũng có trường hợp làm “đầy tớ, công bộc” giả tạo, bên ngoài thì hô hào, kêu gọi quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân, nhưng thực tế thì không gắn bó sâu sát, gần gũi với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Tuy vậy, chúng ta cũng phê phán những cán bộ, đảng viên làm “đầy tớ” nhân dân theo kiểu “tát nước theo mưa”, theo đuôi quần chúng mà không có bản lĩnh quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những biểu hiện đó vừa không xứng đáng là người lãnh đạo, lại càng không thể hiện đầy đủ ý nghĩa vai trò là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đã tròn 50 năm Bác Hồ kính yêu của chúng ta về cõi vĩnh hằng, nhưng tư tưởng của Người về vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thời sự sâu sắc.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, chỉ khi nào Đảng làm tốt vai trò lãnh đạo và phục vụ tận tụy nhân dân thì lúc đó Đảng luôn luôn được nhân dân tin cậy, yêu mến và thủy chung son sắt với Đảng. Ở đâu, bao giờ đội ngũ đảng viên, cán bộ cũng tiền phong, gương mẫu về mọi mặt, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, làm tròn bổn phận người “đầy tớ, công bộc” của nhân dân thì ở đó và lúc ấy tổ chức đảng trong sạch vững mạnh và được quần chúng đùm bọc, chở che và bảo vệ.
Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, Đảng ta cần tiếp tục nâng cao ý chí, bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân. Lấy mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng hoà quyện vào niềm tin chân chính và sức mạnh vô địch của nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Làm được như vậy, nhất định Đảng ta “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn