Các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực bằng những hoạt động thiết thực. Bên cạnh công tác theo dõi, kiểm tra, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả của từng tổ chức hội.
Hiện nay, Bình Định có 1.039 hội quần chúng; hoạt động ở phạm vi tỉnh có 68 hội, huyện 103 hội, xã 868 hội. Trong đó, có 656 hội có tính chất đặc thù: cấp tỉnh 15 hội, huyện 69 hội, xã 572 hội. Trong 15 hội có tính chất đặc thù cấp tỉnh có 2 hội có tổ chức đảng đoàn là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đóng góp nhiều mặt Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các hội quần chúng được thành lập, tổ chức và hoạt động đúng pháp luật, điều lệ, tôn chỉ, mục đích, chức năng. Một số hội đã phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển KT-XH; phát huy vai trò trong công tác an sinh xã hội… Điển hình, trong 5 năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong toàn tỉnh đã vận động được hơn 19 tỷ đồng cho quỹ khuyến học, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động hiệu quả trong công tác vận động xã hội chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là 3,4 tỷ đồng. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã xây dựng các “Bếp ăn tình thương” cho bệnh nhân nghèo; vận động các nguồn lực giúp đỡ bệnh nhân nghèo thông qua chương trình tặng thẻ BHYT, tặng quà “Xuân yêu thương”, khám sàng lọc và hỗ trợ mổ tim… Công tác quản lý, tạo điều kiện cho các hội hoạt động cũng được chú trọng. Từ năm 2018 trở về trước, kinh phí được TP Quy Nhơn hỗ trợ cho các hội theo nhiệm vụ được giao trung bình 1,24 tỷ đồng/năm. Đồng thời, bố trí trụ sở làm việc cho các hội cấp thành phố tại nhà số 167 Lê Lợi. “Thành phố tạo điều kiện cho các hội hoạt động hiệu quả, gắn kết phong trào của các hội với các phong trào thi đua của địa phương; khuyến khích các hoạt động của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH”, Trưởng phòng Nội vụ thành phố Nguyễn Văn Quảnh cho hay. Giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh Đến nay, có 14/21 xã, phường của TP Quy Nhơn thực hiện bố trí người hoạt động không chuyên trách kiêm chủ tịch các hội đặc thù cấp xã theo Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 20.7.2018 của UBND tỉnh. Dù đạt được kết quả khả quan, song theo ông Nguyễn Văn Quảnh, mức phụ cấp thấp khi thực hiện kiêm nhiệm khiến nhiều người “e dè”. Còn Chủ tịch UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) Nguyễn Văn Công cho hay, tại xã này đã thực hiện kiêm nhiệm chức danh chủ tịch các hội Chữ thập đỏ, Khuyến học. Song, 3 hội chưa thực hiện được là Hội Cựu tù chính trị cách mạng, Người cao tuổi và Cựu thanh niên xung phong, bởi “lấn cấn” về tuổi tác lẫn đặc thù chủ tịch phải là hội viên của chính tổ chức hội đó.
“Trong thời gian Quốc hội chưa ban hành luật về hội, đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ quy định phân cấp cho UBND cấp huyện thẩm quyền cho phép thành lập, quản lý đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã. Ðồng thời, quy định khung danh mục các nhiệm vụ Nhà nước đặt hàng giao cho hội thực hiện, làm cơ sở để hỗ trợ kinh phí, khoán kinh phí hoạt động”. Phó Giám đốc Sở Nội vụ TRỊNH XUÂN LONG
Bên cạnh tổ chức bộ máy, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các hội quần chúng. Công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các hội có lúc chưa sâu sát. Một số hội hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương; công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp chưa đồng bộ. Tính chủ động của một số hội chưa cao, chưa chủ động tạo nguồn kinh phí để hoạt động, còn tư tưởng dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Đáng chú ý, một số hội không tổ chức đại hội kịp thời khi hết nhiệm kỳ. Tại huyện Tuy Phước có Hội Cựu giáo chức, Hội Người cao tuổi; tại TX An Nhơn có Hội Làm vườn, Hội Khoa học kỹ thuật… Để nâng cao hiệu quả của các hội quần chúng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho rằng cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện điều lệ của các tổ chức hội. Qua đó, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, địa phương và đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên và quần chúng nhân dân. “Đồng thời, xử lý các vi phạm của hội theo quy định của pháp luật, nhất là việc thành lập hội tự phát hoặc không đúng thẩm quyền; hội không hoạt động liên tục 12 tháng, không tổ chức đại hội theo đúng nhiệm kỳ…”, ông Long nhấn mạnh.