KỶ NIỆM 60 NĂM DI TÍCH LỊCH SỬ BÃI BIỂN LỘ DIÊU - NƠI CẬP BẾN TÀU KHÔNG SỐ CHI VIỆN VŨ KHÍ VÀO KHU V (1.11.1964 - 1.11.2024) “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Thứ ba - 29/10/2024 07:24

KỶ NIỆM 60 NĂM DI TÍCH LỊCH SỬ BÃI BIỂN LỘ DIÊU - NƠI CẬP BẾN TÀU KHÔNG SỐ CHI VIỆN VŨ KHÍ VÀO KHU V (1.11.1964 - 1.11.2024)  “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Cách đây 60 năm, tại bãi biển Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), có một con tàu không số cập bến và nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Cố Tổng Bí thư, thượng tướng Lê Khả Phiêu khi còn sống từng đánh giá rất cao: “Với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc”.
“Mốc son” chiến công đường Hồ Chí Minh trên biển
Cuối tháng 10.1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), nhằm mở đường vận tải chiến lược trên Biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, xuất hiện “những con tàu không số” thầm lặng di chuyển trên tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển”, làm nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) hội đủ các yếu tố về bến bãi lại là vùng có truyền thống cách mạng, cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể hoạt động mạnh và đã thành lập được lực lượng du kích bảo vệ an toàn cho việc tập kết vũ khí. Trung ương chỉ thị cho Tỉnh ủy Bình Định thành lập bộ phận chuyên trách gọi là HB15 để chuẩn bị đón tàu không số tại Lộ Diêu.
Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Quân khu 5 được đầu tư xây dựng khang trang từ năm 2019. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Sau lần xuất phát đầu tiên gặp thời tiết nguy hiểm trên biển phải quay về, ngày 10.10.1964, tàu 401 (loại tàu vỏ gỗ đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam), chở hơn 30 tấn vũ khí và 12 người, thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), 2 thuyền phó là đồng chí Trần Phấn và đồng chí Trần Phi Khanh (đều là người Bình Định), xuất phát lần 2 từ cảng Hải Phòng. Trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, ngày 1.11.1964, tàu mới đến được biển Lộ Diêu.
Ngày 23.10, chúng tôi tìm gặp cụ Lê Văn Nốt (SN 1935), thuyền viên tàu không số 401 năm xưa, trong căn nhà ở thôn Lộ Diêu, chỉ cách nơi cập bến tàu không số khoảng 1 km. Ký ức về một thời hào hùng trỗi dậy, gương mặt cụ sáng bừng khi kể lại những câu chuyện thể hiện sự dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng hy sinh của lãnh đạo và thuyền viên tàu không số. 
Sôi nổi nhất là lúc cụ Nốt kể về tàu không số 401 cập bến bãi biển Lộ Diêu. Cụ Nốt nhấn mạnh về sự sáng suốt của những chỉ huy tàu không số, khi xác định tàu không thể giao vũ khí và rời bến trước khi trời sáng, nên quyết định đưa tàu lên bãi cát. Các lực lượng quân, dân phân chia nhau đào hầm, chôn dấu vũ khí tạm thời ở chân núi; rồi cho đốt cháy tàu và loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy.
Ta tiếp tục huy động cán bộ xã, thôn, đảng viên, nhân dân Lộ Diêu, Phú Thứ chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi để lực lượng bộ đội chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn.

Cụ Lê Văn Nốt (SN 1935, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), thuyền viên tàu không số 401 năm xưa kể lại chuyện tàu không số cập bến bãi biển Lộ Diêu.  Ảnh: H.THU
Cụ Nốt xúc động chia sẻ: Số vũ khí trên tàu không số sau đó được trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu V (sau này là Sư đoàn 3, Quân khu V) và LLVT trong tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng trong các trận đánh địch sau này. Càng tự hào hơn khi tàu không số cập bến Lộ Diêu là con tàu đầu tiên mở bến Khu V, là con tàu không số duy nhất cập bến vùng biển Bình Định, góp phần vào những chiến công đặc biệt xuất sắc đường Hồ Chí Minh trên biển.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Ngày 20.5.2005, UBND tỉnh đã công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Nơi cập bến tàu không số” tại bãi biển Lộ Diêu. Năm 2018 - 2019, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Hải quân, sự thống nhất cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là TX Hoài Nhơn) điều chỉnh mở rộng quy hoạch di tích từ 6.825 m² lên 15.000 m², đồng thời đầu tư tôn tạo di tích giai đoạn 1 với kinh phí trên 15 tỷ đồng.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết: TX Hoài Nhơn luôn quan tâm phát huy giá trị lịch sử to lớn của di tích “Nơi cập bến tàu không số”, nhằm tri ân, tôn vinh lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn quân - dân dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng; đồng thời, đưa di tích thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng - điểm tham quan du lịch “về nguồn” mang nhiều ý nghĩa.
Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Quân khu 5 được đầu tư xây dựng khang trang từ năm 2019. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH-TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, khi xây dựng Tổ Thuyết minh du lịch thị xã, thì “Nơi cập bến tàu không số” là một trong những điểm di tích được ưu tiên hàng đầu có thuyết minh viên, cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu di tích qua mã quét QR. 
Từ năm 2022 đến nay, chị Hà Thị Ngọc Bích, Bí thư Xã đoàn Hoài Mỹ được chọn là thuyết minh viên du lịch của thị xã tại điểm di tích “Nơi cập bến tàu không số”. Chị Bích đã tiếp đón nhiều đoàn “về nguồn” không chỉ là ĐVTN, học sinh, mà còn có các cơ quan, đơn vị, du khách trong và ngoài tỉnh. 
“Ngoài tìm hiểu nhiều tài liệu liên quan về di tích, tôi không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng thuyết minh, cố gắng tạo sự tương tác, chuyển tải được cảm xúc, niềm tự hào chung về lịch sử cách mạng hào hùng đến với khách tham quan, nhất là các bạn trẻ”, chị Bích chia sẻ.
Xã đoàn Hoài Mỹ những năm qua cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tham quan, giao lưu cho ĐVTN địa phương tại di tích; tổ chức lễ tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ” tại di tích; phối hợp với lực lượng dân quân dọn vệ sinh trong khuôn viên di tích và ngoài bãi biển Lộ Diêu...
Ông Phan Văn Quang - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho hay, hướng đến kỷ niệm 60 năm tàu không số cập bến trên bãi biển Lộ Diêu, từ nguồn kinh phí của thị xã và của xã, vừa qua, xã đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục tại di tích “Nơi cập bến tàu không số” (kinh phí hơn 400 triệu đồng); hỗ trợ việc nâng cấp, sửa chữa nhà bia ghi danh liệt sĩ thôn Lộ Diêu (kinh phí hơn 300 triệu đồng).
“Đảng bộ, chính quyền, các hội, đoàn thể cùng phát động, nhân dân hưởng ứng tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng “Nơi cập bến tàu không số”, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Đồng thời, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh, làm sạch, đẹp di tích và các tuyến đường quanh di tích để phát huy giá trị của di tích đến mọi người”, ông Quang tự hào nói.
HOÀI THU
 

Nguồn tin: Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây