Xu hướng trẻ hóa bệnh nhân lao trong nhóm tuổi từ 20 đến dưới 50 tuổi đang trở thành thực tế đáng báo động, trong khi đó tình trạng bệnh lao kháng thuốc cũng có dấu hiệu gia tăng.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: M.H
Tháng 10.2022 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận mức tăng ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021; cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên; đáng chú ý trong 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc lao phổi, có 1,6 triệu người đã chết. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới, bình quân trên 170 nghìn người mắc/năm và khoảng 10.000 người chết do bệnh lao. Chưa được quan tâm đúng mức Thấy con trai 22 tuổi vừa tốt nghiệp đại học bị ho liên tục, chị L.T.T (49 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) đưa con đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán con chị có dấu hiệu của bệnh lao phổi. Tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh kiểm tra thì phát hiện con chị bị bệnh lao phổi. “Tôi cứ nghĩ cháu học hành căng thẳng nên sức khỏe không tốt. Vì trước cũng cho rằng người lớn tuổi, hay làm công việc liên quan đến bụi phổi thì mới mắc lao”, chị T. chia sẻ. Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ CKII Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, nhận định lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Xu hướng trẻ hóa bệnh nhân lao trong nhóm từ 20 đến dưới 50 tuổi đang trở thành một thực tế đáng báo động. Năm 2023, tỉnh Bình Định ghi nhận 240 bệnh nhân trong nhóm trẻ (chiếm 28,18% số bệnh nhân điều trị lao); năm 2024 có 227 bệnh nhân (chiếm 29,17%); quý I/2025 có 53 bệnh nhân (chiếm 26,63%). Nguyên nhân trẻ hóa bệnh lao chưa ghi nhận một cách đầy đủ nhưng chủ yếu đây là độ tuổi lao động ít được quan tâm đến việc khám phát hiện lao khi có các triệu chứng nghi ngờ; người nhà của bệnh nhân lao là đối tượng tiếp xúc gần chưa được sàng lọc lao tiềm ẩn kịp thời; môi trường làm việc và sinh hoạt chưa bảo đảm, nhất là ở các khu công nghiệp, trại giam, ký túc xá… Bên cạnh đó, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng kém, thức khuya, căng thẳng kéo dài khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn lao tấn công. Đáng lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ người bệnh chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị, dẫn đến gia tăng bệnh lao kháng thuốc, đây còn là nguồn lây nguy hiểm có khả năng làm phát sinh nhiều ca bệnh lao khó kiểm soát khác trong cộng đồng. Sàng lọc sớm, quản lý chặt Ai cũng có thể mắc lao, vì vậy khi ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo công thức của chương trình chống lao quốc gia, theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát). Từ khi có chiến lược quốc gia sàng lọc lao 2X (X-quang - Xpert), việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao thuận lợi hơn. Đặc biệt, với máy xét nghiệm Gene Xpert, chỉ trong vòng 2 giờ là có kết quả, độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kết quả từ máy xét nghiệm Gene Xpert cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn, và vi khuẩn có kháng thuốc (kháng Rifamycin) hay không để có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, việc sàng lọc chủ động (đặc biệt là có các xe chở máy chụp X-quang lưu động về tận địa phương, đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế đến từng nhà, mời từng người đến trạm y tế địa phương để khám mà không cần phải đi xa) giúp công tác sàng lọc được chủ động hơn nhiều so với trước. Hằng năm, Bình Định vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc lao mới. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh muộn còn cao. Bên cạnh thiếu nhân lực bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi, sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ thì còn có yếu tố việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lao chưa thật sự sâu rộng, đặc biệt với nhóm người trẻ tuổi ở độ tuổi lao động. Bác sĩ Thanh cho hay: “Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh lao mà WHO đề ra cho Việt Nam trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, tại Bình Định, chúng tôi xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về dấu hiệu bệnh, tầm quan trọng của việc điều trị đúng phác đồ; đầu tư thêm nguồn lực cho công tác sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị lao triệt để; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y tế; kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, từ các ban, ngành cho đến mỗi người dân. Đồng thời, phát hiện sớm, quản lý chặt bệnh nhân lao kháng thuốc để ngăn ngừa sự lây lan của lao kháng thuốc...”. MAI HOÀNG