KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ÐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26.3.1931 - 26.3.2024) Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Thứ ba - 26/03/2024 07:40

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ÐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26.3.1931 - 26.3.2024)  Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Ðoàn viên thanh niên được xem là lực lượng tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Bằng sức trẻ và sự sáng tạo, tổ chức Ðoàn, lực lượng đoàn viên không ngừng nỗ lực, chung tay xây dựng “xã hội số”, “chính quyền số” hiện đại, vì dân.

Chung sức “số hóa”

Xác định “chuyển đổi số” là mục tiêu quan trọng hàng đầu, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch thực hiện công trình thanh niên “Tuổi trẻ Bình Định tiên phong chuyển đổi số” năm 2024.

Theo đó, điểm mới trong công tác chuyển đổi số năm 2024 so với các năm trước là việc triển khai các tuyến đường không sử dụng tiền mặt. Cụ thể, Tỉnh đoàn giao Thành đoàn Quy Nhơn thực hiện 2 tuyến đường; mỗi huyện, thị đoàn thực hiện ít nhất 1 tuyến đường. Đây là cách làm mới giúp người dân hình dung rõ hơn về tiện ích của công nghệ thông tin trong đời sống.

Thị đoàn An Nhơn là một trong những đơn vị triển khai sớm và hiệu quả mô hình trên. Tính đến hiện tại, 12/15 xã, phường trên địa bàn thị xã đang có tuyến đường thanh toán không tiền mặt hoạt động.

Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Thị đoàn An Nhơn, khi mới triển khai thí điểm vào cuối năm 2023, người dân còn khá bỡ ngỡ nên chưa hưởng ứng. Rút kinh nghiệm, những lần sau đó ĐVTN đã diễu hành, phát tờ rơi, giải thích trước những thắc mắc thông thường, sau đó mới bắt tay vào việc. Nhờ vậy, người dân hiểu hơn và hưởng ứng nhiệt tình.

“Người dân sống ở vùng nông thôn ít có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng hay dùng điện thoại thông minh để thanh toán. Do vậy, chúng tôi tiếp cận lớp trẻ trong gia đình họ, nhờ cùng tuyên truyền với Đoàn để tăng hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi tập trung vào các hộ kinh doanh, tiểu thương ở chợ, giới thiệu cho họ những lợi ích khi “quét mã”. Dần dần, mọi người đã quen hơn với những khái niệm này”, anh Hoàng nói.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn còn kiện toàn 2 mô hình tổ đội có nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số. Cụ thể, 176 Tổ công nghệ số thanh niên trên toàn tỉnh hoạt động đồng loạt vào Chủ nhật hằng tuần để hỗ trợ người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, đăng ký chữ ký số cá nhân, đăng ký tài khoản VNeID mức độ 2, cách liên kết vào cổng dịch vụ công trực tuyến…

Trong khi đó, “Đội thanh niên tình nguyện thực hiện dịch vụ công trực tuyến” sẽ hoạt động tại bộ phận Một cửa các cấp để hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện đăng ký tài khoản công dân, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Là đơn vị ký kết phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thành lập “Đội thanh niên tình nguyện thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn cam kết mỗi ngày phân công ít nhất 2 đoàn viên hỗ trợ cho người dân tại Trung tâm theo giờ hành chính. Đồng thời, tổ chức tập huấn các kỹ năng cần thiết cho tình nguyện viên, đảm bảo yêu cầu của Trung tâm…

Thanh niên tình nguyện Trường ĐH Quy Nhơn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn

Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn Cao Kỳ Nam cho biết: “Đây là hoạt động nằm trong đề án “Phát huy vai trò của ĐVTN trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giai đoạn 2022 - 2027” của UBND tỉnh. Đoàn trường sẽ nỗ lực góp sức, chung tay cùng các cơ quan, ban, ngành để hoàn thành tốt công tác chuyển đổi số của tỉnh nhà”.

Nỗ lực từ cơ sở

Để chuyển đổi số triển khai hiệu quả, thực sự đi vào đời sống người dân, ở cấp cơ sở, tổ chức Đoàn, ĐVTN cần nỗ lực vượt khó, tìm ra giải pháp mới, sáng tạo.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế thiếu thiết bị để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến, ngày 10.3, Đoàn phường Hoài Tân (TX Hoài Nhơn) phối hợp với UBND phường ra mắt mô hình “Hành chính phục vụ người dân” và công trình thanh niên “Số hóa Chi đoàn”, tặng 7 máy tính xách tay cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn phường và giao cho các chi đoàn quản lý, sử dụng. Ngoài ra, Đoàn phường cũng ra mắt công trình “Số hóa Chi đoàn”, ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai công tác Đoàn, Hội.

Đoàn Thanh niên CA tỉnh hướng dẫn ĐVTN cài đặt tài khoản định danh mức độ 2 tại chương trình “Ngày đoàn viên” do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 24.3 tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định. Ảnh: D.L

Tại các huyện miền núi, công tác chuyển đổi số gặp không ít trở ngại. Do vậy, tinh thần chủ động cống hiến, sáng tạo của mỗi đoàn viên là vô cùng quan trọng. Hiểu điều đó, chị Hoàng Mỹ Tâm (SN 1991), công chức Địa chính - Nông Nghiệp - Xây dựng và môi trường UBND xã An Tân (huyện An Lão) đã đề xuất sáng kiến “Ngày thứ Năm không hẹn không viết”. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, người dân tộc thiểu số… được tiếp nhận và giải quyết TTHC nhanh chóng, giảm hơn 50% thời gian chờ đợi so với quy định; góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.

Song song với đó, chị Tâm còn thực hiện mô hình “Khảo sát sự hài lòng của công dân trong giải quyết TTHC trên địa bàn xã An Tân” bằng mã QR Code, nhằm lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về việc tiếp nhận, giải quyết TTHC để kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ.

“Khó khăn trong việc hỗ trợ người dân vùng khó khăn tiếp cận với chuyển đổi số hay thực hiện hành chính công là điều tất yếu. Khi ấy, mỗi ĐVTN cần nỗ lực hết mình, mạnh dạn đề xuất với cấp trên để đưa ra hướng giải quyết phù hợp, góp sức vào công cuộc xây dựng “chính quyền số” hiện đại, thật sự vì người dân”, chị Tâm nói.

Ngày 3.3, tại phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), Tỉnh đoàn tổ chức ra quân phát động công trình thanh niên “Tuổi trẻ Bình Định tiên phong chuyển đổi số” năm 2024 với 8 chỉ tiêu:

- Mỗi năm có 40% tổng số tài khoản sử dụng dịch vụ công có phát sinh giao dịch thực tế;

- 80% hồ sơ TTHC do ĐVTN thực hiện được giao dịch bằng hình thức trực tuyến;

- Có 66.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến do ĐVTN hỗ trợ thực hiện trong năm 2024;

- Có ít nhất 6 tin, bài viết đăng trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội của đơn vị;

- Có ít nhất 160 nghìn gia đình được ĐVTN hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản VNeID và được thông tin, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến;

- Có ít nhất 294.021 công dân được ĐVTN hỗ trợ mở tài khoản thanh toán điện tử;

- Hỗ trợ 10% công dân từ 14 tuổi trở lên có chữ ký số cá nhân;

- Có 190.759 công dân được ĐVTN hỗ trợ kích hoạt tài khoản VNeID trước ngày 1.7.

DƯƠNG LINH

Nguồn tin: Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây