Báo động cạn kiệt nguồn máu dự trữ
Theo ông Hà Văn Cát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, việc đảm bảo đủ lượng máu dự trữ trong tháng 7 rất quan trọng. Bởi vì, thời điểm mùa hè thời tiết hanh khô thường xuất hiện một số loại bệnh, dịch bệnh; số ca tai nạn thương tích, TNGT cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện rất nhiệt tình là học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng dịp này về quê nghỉ hè nên rất khó huy động. Bởi thế, 8 năm qua, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã chọn tháng 7 để tổ chức các hoạt động hưởng ứng chương trình hiến máu Hành trình Đỏ, do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức, nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và có thể tiếp nhận lượng máu nhiều hơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tháng 7 và các tháng tiếp theo.
Vậy nhưng, khác với mọi năm, tháng 7 này, 1.300 đơn vị máu dự kiến tiếp nhận trong khuôn khổ Hành trình Đỏ tại Bình Định năm 2021 đã và đang đối mặt với nguy cơ “phá sản”. 1.810 đơn vị máu đã lên kế hoạch tiếp nhận tại các buổi hiến máu tình nguyện tập trung ở một số địa phương và cơ quan, đơn vị cũng đang lần lượt bị hủy. Trong khi đó, theo Trung tâm Huyết học - Truyền máu (BVĐK tỉnh), dù đã giảm hơn 50% số bệnh nhân điều trị nội trú để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng hiện vẫn còn hơn 800 bệnh nhân tại bệnh viện có nhu cầu truyền máu mỗi ngày khá lớn. “Tính đến ngày 3.7, lượng máu dự trữ còn khoảng 400 đơn vị, riêng máu A và B còn rất ít, nếu trước ngày 12.7 không được bổ sung thì hai nhóm máu này sẽ cạn kiệt”, bác sĩ Võ Đình Lộc, phụ trách Trung tâm Huyết học - Truyền máu cho hay.
Cần xúc tiến giải pháp hiệu quả
Sáng 4.7, trao đổi về giải pháp tiếp nhận máu hiến tình nguyện, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Quy Nhơn, cho biết, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Hội CTĐ tỉnh và Trung tâm Huyết học - Truyền máu cùng với Hội CTĐ thành phố đã làm việc và thống nhất giải pháp tổ chức tiếp nhận máu lưu động theo hình thức nhóm nhỏ. Theo đó, các thành viên trong ban tiếp nhận máu sẽ đi đến từng địa phương để nhận máu từ người cho. Việc này sẽ đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi người hiến máu không phải di chuyển khỏi địa phương. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Quy Nhơn dự kiến sẽ tổ chức 7 điểm hiến máu tình nguyện trong 5 ngày (12 - 16.7), vận động 18 xã, phường và đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố tham gia hiến máu.
Tâm đắc với giải pháp này, bác sĩ Võ Đình Lộc cho biết, tổ chức hiến máu tình nguyện lưu động và theo nhóm nhỏ là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Cách làm này đang được nhiều tỉnh, thành trong nước triển khai và thực hiện có hiệu quả. Theo đó, để phòng, tránh mọi rủi ro, các địa phương sẽ không chỉ vận động, kêu gọi mà còn cần lập danh sách từng người đăng ký hiến máu, ghi rõ họ tên, địa chỉ của họ và tiến hành điểm danh tại buổi hiến máu. Địa điểm tổ chức tiếp nhận máu phải được khử khuẩn kỹ lưỡng. Việc tiếp nhận máu diễn ra với số lượng từ 10 - 20 người, tất cả đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách an toàn.
“Việc dự trữ máu mùa đại dịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giải pháp tiếp nhận máu theo đó cần được nhanh chóng triển khai và có sự chung tay, phối hợp tích cực, hiệu quả của các bên liên quan. Nếu giải pháp này đạt hiệu quả ở Quy Nhơn, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh sẽ nhân rộng mô hình ở huyện Phù Mỹ trong thời gian tiếp theo để đảm bảo lượng máu dự trữ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân”, ông Hà Văn Cát nói.