Hiểu để yêu thương...
Gắn bó với lớp Ước mơ 2 từ năm 2019, ngoài giờ dạy chuyên môn, cô Nông Thị Kim Hoa (giáo viên bộ môn tin học) còn dành thêm thời gian trò chuyện, rèn luyện một số kỹ năng cho những học trò đặc biệt.
Theo lời cô Hoa, lớp Ước mơ 2 tập trung nhiều bạn khuyết tật với những đặc điểm khác nhau. Có bạn thì câm điếc, bạn thì thiểu năng trí tuệ, bạn lại bị khuyết tật vận động… Do đó, cô đã ghi nhớ đặc điểm của từng bạn để có cách truyền đạt phù hợp.
Cô Hoa chia sẻ: “Môn tin học đặc biệt hơn so với các môn khác bởi các em phải thực hành để biết cách dùng máy tính. Tôi đã đi đến từng máy, hướng dẫn từng em các thao tác cơ bản. Nhìn nét mặt ngạc nhiên xen lẫn tự hào của học trò khi vẽ được bức tranh đơn giản trên máy, tôi lại xúc động và cảm thấy mình có thêm động lực để đồng hành cùng các em”.
Tương tự cô Hoa, cô Nguyễn Thị Bích Thủy (giáo viên bộ môn mỹ thuật) cũng dành trọn tâm huyết cho lớp học. Ghé thăm tiết học tạo hình tràn ngập tiếng cười của cô, không khó để bắt gặp những nét mặt rạng rỡ của cả cô và trò. Trò ê a khoe thành quả sau hơn 15 phút nặn quả, nặn cây. Cô không ngừng động viên và hướng dẫn từng ly từng tí.
Đưa mắt nhìn học trò ngây ngô, cô Thủy tâm sự, sẽ tốt biết bao nếu các em cứ khỏe mạnh, vui tươi như vậy. Cô kể, vì khuyết tật nên sức khỏe học sinh trong lớp không được tốt. Có những hôm, các em mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng học, có khi không kiềm được mà nôn tại lớp, cô vừa lo lắng, vừa xót xa.
“Nghĩ đến việc có học sinh chỉ bằng tuổi con tôi ở nhà mà đã phải chịu nhiều thiệt thòi như thế, tôi dặn mình phải tạo không khí thật vui tươi ở lớp để các em hòa nhập. Vì chỉ có niềm vui, sự quan tâm, thông cảm mới giúp các em bớt tự ti và có thêm động lực học một số kiến thức, kỹ năng cơ bản trong cuộc sống”, cô Thủy tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (phải) cùng học sinh trong tiết học tạo hình đầy niềm vui. Ảnh: DƯƠNG LINH |
Tâm huyết của các cô đã giúp phụ huynh yên tâm, gửi con mình đến lớp. Bà Nguyễn Thị Hậu (ở xã Cát Thành), cho hay con gái Nguyễn Thị Như Anh đã học ở lớp từ năm 6 tuổi. Trước khi đến trường, Như Anh chưa biết nói. Còn hiện tại, bé đã có thể nói các từ đơn giản, đếm số đến 10 và đang tập hát, tập vẽ.
Bà Hậu nói: “Nếu không đi học, chắc con gái tôi sẽ thành trẻ tự kỷ. Nhờ các cô nhiệt tình, kiên nhẫn chăm sóc, dạy bé từ cách nói, hát đến cư xử mà con tôi có thể hòa nhập với bạn bè, cộng đồng chứ không nhút nhát như trước. Vậy nên, phụ huynh vừa biết ơn, vừa rất quý mến các cô”.
Nơi hạnh phúc nảy mầm
Dạy dỗ học sinh khuyết tật vất vả gấp nhiều lần nhưng cũng để lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, kỷ niệm đẹp trong lòng các cô.
Cô Thủy “bật mí”, điều khiến những giáo viên như cô vui lòng nhất là khi thấy học sinh háo hức đến trường, chịu khó rèn chữ, đọc số. Hơn nữa, các bạn yêu thương, kính trọng thầy cô và có những cách thể hiện tình yêu rất riêng.
Cô kể: “Có lần, tôi vô tình nói với các em là mình bận việc nên chưa ăn sáng. Lập tức, nhiều học trò đã liền tay nhường cô hộp sữa của mình, nói cô uống tạm cho đỡ đói rồi hẵng dạy. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi được học trò thương yêu”.
Bằng giọng đầy tự hào xen lẫn xúc động, cô Hoa khoe rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất của cô là thấy học trò dạn dĩ dần, tự tin giao tiếp hơn và biết một số kiến thức cơ bản, như các màu sắc, loại quả, cách tạo hình, con số… Vượt ngoài mong đợi của cô, các bạn còn biết đem đến niềm vui bất ngờ.
“Tôi vẫn nhớ một lần vào ngày 20.11, hôm ấy đúng vào ngày Chủ nhật, học sinh trong lớp tỉ mỉ vẽ bông hoa, trái tim, có bạn nắn nót từng chữ cái, làm thành tấm thiệp nhỏ tặng cô. Đối với người khác món quà ấy rất đơn sơ, nhưng với tôi chúng mang cả tấm chân tình của học trò”, cô Hoa trải lòng.
Lớp học Ước mơ 2 là mái nhà chung của 24 học sinh, người lớn nhất đã 40, nhỏ nhất chỉ mới 8 tuổi. Ở đó có nhiều mảnh đời bất hạnh. Có người mồ côi từ nhỏ, hằng ngày phải bán hàng ở chợ để mưu sinh. Người thì trải qua biến cố, trở thành đứa trẻ ngây ngô. Người thì có gia đình nhưng không được đầm ấm, sung túc... Thế nhưng, ai cũng tìm thấy hạnh phúc ở lớp học nên đã cố gắng đi học thật đều.
Xòe đôi bàn tay trầy xước, xen những vết cắt còn rướm máu, chị Huỳnh Thị Thu Thắng (33 tuổi, học sinh trong lớp, mắc chứng rối loạn hành vi) kể rằng, chị cũng lập gia đình như bao người phụ nữ khác. Gia cảnh khó khăn, vợ chồng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, đứa con nhỏ đang học lớp 5 lại bị bệnh tim nên chị phải làm nghề sơ chế hạt điều (tách, gọt vỏ; làm sạch hạt) để kiếm sống. Vì vậy, dù đôi tay có bị thương, chảy máu, chị vẫn gắng sức bám trụ để có tiền lo cho 2 mẹ con. Những khi buồn bã, áp lực, lớp học và bạn bè là những yếu tố giúp chị phấn chấn hơn.
“Tôi đến lớp học Ước mơ gần 5 năm rồi. Đi làm xong, tôi sẽ qua lớp ngay. Học ở đây vui lắm. Mọi người yêu thương và giúp đỡ nhau rất nhiều! Cô giáo nhẹ nhàng, chỉ dẫn từng chút nên tôi không bỏ bữa học nào cả”, chị Thắng cười thật tươi.
Tác giả bài viết: DƯƠNG LINH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn