Quẩn quanh, bế tắc
Gia đình anh Thiên có 4 người, anh là lao động chính nhưng trí tuệ chậm phát triển, sức khỏe yếu; vợ anh cũng giống chồng, lại thêm bệnh động kinh. Anh chị sinh được hai con trai, nhưng đôi mắt các con cứ mờ dần, đến năm học lớp 4 thì cả hai gần như không nhìn thấy được gì nữa; hiện nay, con trai lớn đã 23 tuổi, con trai nhỏ 15 tuổi, đều là hội viên của Hội Người mù tỉnh. Gia đình 4 người bệnh tật tá túc trong căn nhà được xây từ nguồn kinh phí 35 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ từ nhiều năm trước; không có bếp, không có nhà vệ sinh nên con cái ngày càng lớn, những bất tiện trong sinh hoạt theo đó cũng tăng dần.
Điều đáng buồn ở gia đình này là cả 4 thành viên đều có tư tưởng cố hữu, rằng “bản thân mình vô dụng”. Ngay cả hai người con trai lành lặn tay chân cũng chưa thể tự phục vụ bản thân. Từ đầu đến cuối buổi chuyện trò với chương trình, người cha cứ nhắc hoài câu: Không có tiền và không biết làm gì. Cảm giác với họ, khoản tiền trợ giúp xã hội (hơn 1 triệu đồng/tháng) mà 3 trong số 4 thành viên của gia đình nhận được, cùng với gạo, thùng mì tôm, nhu yếu phẩm thi thoảng nhà hảo tâm mang đến tặng, cũng đã đủ hài lòng.
Đến khi đại diện chương trình hỏi: “Có gì lo lắng trong lòng không?”, thì con cái trả lời “lo lúc cha mẹ mất đi, không ai ở với mình”, còn cha mẹ thì “lo con rời khỏi mình thì bơ vơ, lạc lõng”. Nhà hảo tâm lại rơi nước mắt trước những câu trả lời không lối thoát.
“Chính vì vậy mà chúng tôi về đây”, anh Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Khát vọng sống”, cho biết.
Hướng về phía sáng
Chương trình đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình anh Thiên được tổng cộng 56 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng gia đình. “Chúng tôi trích ra 10 triệu đồng, bố trí người đưa hai con trai của anh vào TP Hồ Chí Minh khám mắt, đưa vợ anh đến BVĐK tỉnh Bình Định kiểm tra bệnh động kinh. Trích 20 triệu đồng giao cho đại diện UBND xã Ân Tường Tây phụ trách việc xây nhà bếp và công trình vệ sinh cho gia đình. 25 triệu đồng còn lại làm sổ tiết kiệm đứng tên anh Thiên. Chương trình cũng tính luôn đến khả năng nếu mắt của hai bạn trẻ có khả năng phục hồi thì sẽ chữa trị đến cùng; còn nếu hết hy vọng thì Hội Người mù tỉnh sẽ tạo điều kiện để con trai lớn học nghề, con trai nhỏ học chữ...”, anh Tiến cho hay.
Đưa “Khát vọng sống” về Bình Định lần đầu tiên vào năm 2015, lần này trở lại, anh Tiến tiếp tục thông qua cầu nối là Hội Người mù tỉnh trợ giúp tiếp cho người mù có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần chương trình ra Bình Định là áp lực với ê kíp tăng cao hơn, không phải vì khoản tiền cần có để hỗ trợ, mà chính là công tác làm tâm lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Biết địa phương lâu nay luôn quan tâm, xóm giềng đều thương gia đình hiền khó này, Hội Người mù tỉnh thường xuyên tặng quà của nhà hảo tâm cho hai anh em dịp lễ, tết, anh Tiến rất vui, xem đây là cơ sở vững chắc để chương trình triển khai những sự trợ giúp hồi sinh cho gia đình tiếp theo.
Anh nhắn nhủ: Đừng vỗ tay mà hãy chung tay với “Khát vọng sống”. Những gia đình khó khăn luôn cần được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất với nhiều giải pháp linh hoạt, nếu có sự giám sát, hỗ trợ từ cộng đồng thì hiệu quả đạt được sẽ còn cao hơn nhiều lần. “Khát vọng sống” về Bình Định với mục đích chính là thay đổi tư duy của người khó khăn, gieo vào họ khát vọng sống, khát vọng thay đổi thực tại bằng cách vạch đường, chỉ lối, tiếp sức để họ nhận ra sự cần thiết phải rời cuộc sống hiện tại, mạnh dạn bước sang một hành trình khác mà đích đến thuận lợi, sáng sủa, tốt đẹp hơn nhiều.
“Chúng tôi có hệ thống bệnh viện lớn, uy tín đồng hành thực hiện công tác bảo trợ y tế, cùng nhiều nhà hảo tâm suốt 15 năm qua gắn bó, giúp đỡ hết lòng từng trường hợp khó khăn. Gắn bó với Bình Định là cơ duyên, dự kiến năm 2024 tôi sẽ đưa chương trình quay trở lại; tôi và nhiều anh em trong ê kíp (không phải dân xứ Nẫu), cứ thấy lưu luyến, muốn tiếp tục giúp đỡ người khó khăn tỉnh này”, anh Tiến chia sẻ.
Chương trình truyền hình nhân đạo “Khát vọng sống” do Công ty CP Quảng cáo Nhất (UNIAD JSC) hình thành cách đây 15 năm, phối hợp phát sóng trên các Đài PT-TH tỉnh: Bình Phước, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận và Hòa Bình. Chương trình có sự phối hợp, hỗ trợ của các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Ngoại Thần kinh Quốc tế và Công ty TNHH Otto Bock Việt Nam chuyên làm tay chân giả; triển khai 4 hình thức trợ giúp cơ bản người dân gặp khó khăn trong cả nước: Khám - chữa bệnh; xây - sửa nhà cửa; giúp trẻ đến trường; tư vấn giải pháp mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình. |
Tác giả bài viết: NGỌC TÚ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn