Sơ kết hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải Trung bộ
Thứ sáu - 11/10/2024 15:32
Sáng 11.10, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ (Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ và triển khai kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025.
Dự hội nghị, về phía cơ quan Trung ương: Ông Nguyễn Đức Cung, Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng; ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.
Về phía các địa phương: Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Dự hội nghị còn có TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHồ Chí Minh; lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội, hội ngành nghề, DNđến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ…
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: N.DŨNG
Phối hợp, mở rộng hợp tác theo quy mô phát triển của vùng Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 1 năm phối hợp triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ đã được ký kết năm 2023. Theo đó, năm 2023, TP Hồ Chí Minh cùng với 6 tỉnh vùng duyên hải Trung bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn 2023 - 2025, qua đó triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy KT-XH tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện như: Lĩnh vực công thương, du lịch, nông nghiệp, lao động - thương binh và xã hội, KH&CN, giáo dục, truyền thông, y tế và xúc tiến thương mại đầu tư và đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước. Đồng thời tạo nhu cầu kết nối để DN các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ và DN TP Hồ Chí Minh liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển DN, nâng cao đời sống người dân. Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương được định hình, thống nhất phối hợp triển khai, trong đó đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; quảng bá đến người tiêu dùng thành phố quy mô hơn 10 triệu người; từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa… Các sự kiện liên vùng như Hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch, chương trình kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, Hội chợ “Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2024” nhận được sự quan tâm của các tỉnh trong vùng, tạo sự liên kết, hợp tác phát triển đầu tư, thương mại, du lịch. Tuy nhiên, quá trình triển khai hợp tác còn những hạn chế nhất định. Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng tổ chức 11 sự kiện hợp tác cấp vùng và 11 sự kiện hợp tác song phương nhằm tăng cường các hoạt động liên kết vùng, phát huy được tiềm năng thế mạnh của các địa phương, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực; hỗ trợ DN, nhà đầu tư và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phối hợp triển khai thực hiện trên 10 lĩnh vực: Xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; phát triển du lịch; phát triển KH&CN, chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; GTVT; GD&ĐT, y tế; thông tin, truyền thông; lao động - thương binh, xã hội. Hội nghị sẽ thảo luận những kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, chương trình của thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến, ghi nhận các trao đổi, thảo luận, đề xuất, hiến kế từ các chuyên gia, DN, làm cơ sở để TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng tiếp tục phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng. Bình Định kiến nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác 5 vấn đề Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với hỗ trợ, hợp tác của TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng sự quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu, khát vọng vươn lên của hệ thống chính trị các địa phương, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi trở ngại của các địa phương trong vùng, để đưa vùng duyên hải miền Trung trở thành một trong những vùng phát triển năng động và ổn định của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương không ngừng cải thiện, hạ tầng KT-XH khá đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị và nông thôn, cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc, là điểm đến hấp dẫn với cộng đồng DN, du khách trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng hội nghị.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác, phát triển vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của vùng, cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn năm 2024 - 2025 là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và toàn bộ Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ. Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh quan tâm phối hợp, hỗ trợ vùng duyên hải Trung bộ một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết. Một là, tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, như: Công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics cho các địa phương. Hai là, quan tâm giới thiệu các DN lớn của TP Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với DN trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp từ vùng duyên hải Trung bộ tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ba là, nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp của vùng như: Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); KCN Du Long, KCN Phước Nam (Ninh Thuận), KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II (Bình Thuận). Bốn là, tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch chung giữa các địa phương, tập trung vào các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm, mô hình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi y, bác sĩ giữa bệnh viện của TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng. Năm là, thúc đẩy, tăng cường các chuyến bay đến và đi giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, khách du lịch, nhân dân di chuyển thuận lợi, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, đầu tư mới. MAI HOÀNG