Huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới: Thành quả từ sự chung sức, đồng lòng
Thứ tư - 02/10/2024 09:08
Sáng 1.10, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đến dự và phát biểu chỉ đạo. Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng báo cáo kết quả thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Ảnh: Trọng Lợi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã huy động tổng cộng 17.200 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn từ ngân sách chiếm 3.493 tỷ đồng (20%), cùng với 380 tỷ đồng do người dân tự nguyện đóng góp… Nhờ nguồn lực này, hạ tầng nông thôn đã được nâng cấp đáng kể, đảm bảo tính đồng bộ và hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. “Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn NTM năm 2023 là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh. Đây chính là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được. Đồng thời, chúng tôi quyết tâm phấn đấu để huyện Tây Sơn sớm trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 và đạt chuẩn thị xã trước năm 2030”, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá, huyện Tây Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM là minh chứng cho sự lãnh đạo hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể tỉnh Bình Định; đồng thời thể hiện tinh thần phấn đấu của nhân dân huyện nhà, cùng sự chỉ đạo sát sao của hệ thống chính trị địa phương. Thành tựu này cũng nối tiếp truyền thống vẻ vang của huyện Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ một vùng đất nghèo khó, địa hình phức tạp với núi cao, gò đồi xen lẫn đồng bằng và sông ngòi, huyện Tây Sơn đã kiên trì phấn đấu để 14/14 xã trong huyện đều đạt chuẩn NTM. Đây là thắng lợi quan trọng, một bước tiến lớn, đánh dấu kỳ tích của huyện nhà. Phó Thủ tướng thông tin, hiện cả nước có 6.300/8.162 xã đạt chuẩn NTM và 296 huyện đạt chuẩn NTM, riêng tỉnh Bình Định có 91/113 xã và 6 huyện đạt chuẩn NTM. Với kết quả này, Bình Định đã vượt mức bình quân chung của cả nước và nằm trong tốp khá về xây dựng NTM. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, mục tiêu của Tây Sơn không chỉ dừng lại ở việc đạt chuẩn NTM, mà cần hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, phát triển theo hướng bền vững và hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo huyện cần có tư duy mới và cách làm mới trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ cao sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao…, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại của địa phương. Về mặt quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đảm bảo hạ tầng được xây dựng theo hướng bền vững và hiện đại, cùng với đó là quan tâm an sinh xã hội, xây dựng nhà ở cho người nghèo và gia đình chính sách một cách bền vững, chất lượng. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hóa và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý. Phó Thủ tướng khuyến khích lãnh đạo huyện Tây Sơn học hỏi những mô hình thành công từ các địa phương khác để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn tại địa phương. Ông đặc biệt ấn tượng với khái niệm “NTM, tư duy mới và cách làm mới”, cho rằng nếu huyện triển khai toàn diện tinh thần này, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu chắc chắn sẽ thành hiện thực. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của “tư duy mới” trong quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp. Phó Thủ tướng kỳ vọng, với những định hướng và nỗ lực hiện tại, huyện Tây Sơn - quê hương của Hoàng đế Quang Trung - sẽ sớm trở thành hình mẫu về NTM, góp phần xây dựng Việt Nam phát triển bền vững và hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Bình Định đã thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự được đảm bảo. Việc huyện Tây Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023 chính là niềm vinh dự lớn lao không chỉ đối với huyện mà còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định rõ định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn tới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, đồng thời tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn với quá trình xây dựng NTM sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn lực, tạo động lực phát triển bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu cấp cơ sở trong xây dựng NTM, xác định NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, đặc biệt tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, tạo việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao… Về định hướng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, tập trung xây dựng các mô hình NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM thông minh. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các khu vực nông thôn còn khó khăn, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững cho toàn tỉnh…
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (thứ hai bên trái) trao bằng công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn NTM năm 2023. Ảnh: Trọng Lợi.
Đại diện Quỹ Tâm Tài Việt (thứ tư bên trái) trao tặng 300 triệu đồng học bổng cho học sinh huyện Tây Sơn. Ảnh: Trọng Lợi.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Trọng Lợi.
Tại lễ đón nhận, UBND huyện Tây Sơn còn tổ chức trưng bày 16 gian hàng sản phẩm OCOP địa phương. Ảnh: NGUYỄN DŨNG