Quang cảnh kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII. |
Hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc đã báo cáo Tờ trình và dự thảo nghị quyết (NQ) về việc hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m, thường xuyên di chuyển tại các ngư trường thuộc các tỉnh phía Nam. Theo nghị quyết này, các tàu cá đăng ký tại Bình Định, hoạt động trong lĩnh vực câu mực và lắp đặt thiết bị GSHT trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ. Mỗi tàu chỉ được hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ 50% chi phí mua sắm và lắp đặt, không vượt quá 10 triệu đồng/thiết bị. Thời gian gửi hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ kéo dài đến hết ngày 31.12.2024. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Tham gia thảo luận, các đại biểu (ĐB) Phạm Hồng Sơn (đơn vị Quy Nhơn) và Phan Trường Sơn (đơn vị TX Hoài Nhơn) bày tỏ sự băn khoăn về đối tượng và thời gian hỗ trợ. Hai ĐB đặt câu hỏi: Vì sao chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng cho tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hành nghề câu mực, mà không bao gồm các loại tàu cá khác hoặc tàu có chiều dài dưới 12 m?. Đồng thời, các ĐB cũng thắc mắc về lý do thời gian hỗ trợ chỉ kéo dài đến cuối năm 2024 mà không được gia hạn thêm…
ĐB Phạm Hồng Sơn (đơn vị TP Quy Nhơn) đặt vấn đề vì sao chỉ hỗ trợ đối với tàu hành nghề câu mực (chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m) mà không hỗ trợ các tàu hành nghề khác. |
Trả lời những câu hỏi này, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc giải thích rằng, từ đầu năm 2024, tình hình tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong số này, các tàu có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m chiếm đa số và chưa bị bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT. Việc vi phạm các quy định khai thác thủy sản không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), mà còn tác động đến uy tín quốc gia. Ông Phúc nhấn mạnh, nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân khi lắp đặt thiết bị GSHT theo yêu cầu của tỉnh, góp phần sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cũng cho biết, nhóm tàu trong nghị quyết này không bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định của Trung ương, nhưng thực tế cho thấy phần lớn các vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) xuất phát từ nhóm tàu này. Do đó, việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị GSHT là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng vi phạm. Về lâu dài, tỉnh sẽ có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để chống khai thác IUU.
Kết luận vấn đề, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Việc chống khai thác IUU không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến danh dự và uy tín quốc gia. Tỉnh Bình Định sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC và nghị quyết này là minh chứng cho cam kết đó.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho các dự án cấp bách
Một trong những vấn đề được quan tâm tại kỳ họp là kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi đã trình bày tờ trình và dự thảo NQ về việc cho ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện rà soát và tổng hợp nhu cầu vốn của tỉnh gửi Trung ương trước ngày 30.9.2024 theo quy định.
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này là gần 76.700 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh sẽ đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 23.710 tỷ đồng từ ngân sách, còn lại gần 53.000 tỷ đồng sẽ đến từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Ông Nghi cho biết, nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn này sẽ được ưu tiên dành cho các lĩnh vực cấp bách như y tế, giáo dục, thủy lợi, văn hóa và cấp nước sạch cho người dân.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh rằng, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh là tập trung đầu tư hoàn thiện toàn bộ hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa và nước sạch. Đây là những vấn đề bức xúc và cần được giải quyết trong giai đoạn tới. Cụ thể, tất cả trường học, trung tâm y tế và bệnh viện trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư để đáp ứng nhu cầu học tập và chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống nước sạch sẽ được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trong tỉnh.
Trong lĩnh vực văn hóa, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các bảo tàng và công trình văn hóa quan trọng. Tổng kinh phí thực hiện các lĩnh vực này dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.
Ngoài y tế và giáo dục, Bình Định cũng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông và nông nghiệp. Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ nâng cấp 15 hồ chứa nước còn lại đang xuống cấp, hệ thống đập dâng và các kênh tiêu thoát lũ cho vùng hạ du huyện Tuy Phước. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng và hoàn thiện tuyến đường phía Tây để tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh, phục vụ phát triển Kt-XH của tỉnh.
Việc triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Sớm triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết Kỳ họp lần thứ 18 HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua 28 NQ với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ngoài NQ về hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá; NQ cho ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; HĐND tỉnh còn thông qua các NQ về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024; phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công nhóm B; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phương án phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và điều chỉnh kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Trên cơ sở các NQ đã được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Các cấp, ngành, các địa phương cần năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế gắn với tăng cường kiểm tra, kịp thời điều chỉnh những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. “Trước mắt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, thúc đẩy sản xuất phát triển; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án; chỉ đạo thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác thu ngân sách; đấu giá quyền sử dụng đất… Đồng thời, chỉ đạo rà soát lại các phương án ứng phó với bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão”, đồng chí Hồ Quốc Dũng lưu ý. |
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn