Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng
Những năm trước đây, khi tuyến đường liên làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) đi thôn 7, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chưa được xây dựng đồng bộ, nhiều đoạn đường bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây khó khăn trong việc đi lại, cản trở giao thương giữa hai địa phương.
Cuối năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, UBND huyện Vân Canh đầu tư gần 3,9 tỷ đồng xây dựng đồng bộ tuyến đường bê tông dài 636 m, mặt đường rộng 5 m từ làng Canh Giao đến thôn 7, xã Đa Lộc. Từ ngày có đường mới, xe tải có thể đến cuối làng để chở nông sản, mở ra tương lai mới cho người dân nơi đây.
Ông Đinh Văn Phít (dân tộc Chăm, ở làng Canh Giao) chia sẻ: “So với trước đây, thật đúng khác nhau một trời một vực. Làng bây giờ có đường bê tông, được dùng điện lưới quốc gia, dân trong làng ai ai cũng phấn khởi”.
Theo ông Sô Lan Tài, Trưởng Phòng Dân tộc, huyện Vân Canh, từ nguồn vốn của Dự án 4, năm 2023, UBND huyện đã giao nguồn kinh phí trên 29 tỷ đồng, thực hiện đầu tư mới 12 công trình đường giao thông và duy tu, bảo dưỡng 9 công trình dân sinh, phục vụ sản xuất khác tại các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận… Qua đó, giúp các địa phương có điều kiện đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH.
Còn tại huyện An Lão, thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện tập trung xây dựng 33 công trình các loại, với tổng mức đầu tư gần 59,2 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2024 - 2025, huyện đầu tư trên 40,3 tỷ đồng xây dựng 23 công trình dân sinh.
Ông Trịnh Xuân Long, Chủ tịch UBND huyện An Lão đánh giá, nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG), đến nay, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường giao thông huyết mạch nối từ trung tâm huyện đến các xã và từ xã đến các thôn, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản ổn định, tránh ách tắc khi thiên tai xảy ra, góp phần thúc đẩy KT-XH, giúp diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc hơn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay mạnh mẽ. - Trong ảnh: Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện An Lão năm 2024. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, những năm qua, các địa phương miền núi trong tỉnh còn tập trung giải ngân nguồn vốn Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG, hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bên trong ngôi nhà đang thành hình, chị Đinh Thị Mét (dân tộc Bana, ở thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) cho biết, trước đây, cả gia đình chị sinh sống trong căn nhà sàn chật hẹp, xuống cấp, luôn bất an vào mỗi mùa mưa bão. Mới đây, gia đình chị được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng từ Dự án 1 và vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách ưu đãi thuộc Chương trình MTQG, xây dựng ngôi nhà mới có diện tích gần 40 m2.
Chị Mét chia sẻ: “Tôi chưa khi nào dám nghĩ có ngày sẽ được ở trong căn nhà khang trang như thế này. Mọi người trong gia đình ai cũng rất phấn khởi và biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng xây được căn nhà mới vững chãi rồi, gia đình tôi càng có động lực làm ăn, phát triển kinh tế, để con cái được ăn học đàng hoàng”.
Ông Đinh Giang Sang, Chủ tịch UBND xã Bok Tới thông tin, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã có 16 hộ dân được nhận hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn của Dự án 1, xây dựng nhà mới kiên cố, xóa bỏ nhà tạm. Để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, UBND xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của xã và ban quản lý các thôn tổ chức họp bàn, bình xét công khai và tổ chức giám sát chặt chẽ. Các hộ được hỗ trợ tự bỏ công sức để xây dựng nhà nên các căn nhà đảm bảo chất lượng, diện tích.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã tập trung giải ngân vốn từ Dự án 1, với số tiền 1,55 tỷ đồng cho UBND các xã, thị trấn hỗ trợ 31 hộ nghèo có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các hộ nghèo có nơi ở ổn định mà còn tạo động lực để họ phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình sinh kế mới, từng bước thoát nghèo.
Là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, chị Đinh Thị Tuông (dân tộc Bana, ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo) vui mừng cho hay: “Trước đây chưa làm nhà, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Tháng 7.2023, được sự quan tâm của chính quyền đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng xây nhà mới, gia đình đã có chỗ ở ổn định, tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo”.
Nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện An Lão đã đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở thiết yếu tại xã An Dũng. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Thu hẹp khoảng cách miền núi và đồng bằng
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, tổng kinh phí cấp thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến nay là 757 tỷ đồng. Với nguồn lực của Chương trình, các địa phương đã tập trung xây dựng mới 3 hệ thống nước sạch tự chảy tại các huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão; hỗ trợ nhà ở cho 68 hộ nghèo và chuyển đổi nghề cho 679 người; đầu tư xây dựng 4 khu tái định canh, định cư tại huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; triển khai thực hiện đầu tư mới 36 công trình dân sinh; tổ chức 26 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 980 người tại huyện Vĩnh Thạnh, An Lão; hỗ trợ hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, GD&ĐT… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần, thể chất của đồng bào vùng DTTS từng bước được nâng lên.
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, mục tiêu tỉnh đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS nghèo…
“Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường rà soát lại các đối tượng thụ hưởng thuộc các dự án, tiểu dự án, từ đó xác định kinh phí đề xuất, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh; chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án cụ thể; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG”, ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh Huỳnh Đức Bảo khẳng định, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, huyện sẽ tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, giải quyết việc làm cho người dân, đảm bảo không để trùng lặp, chồng chéo giữa các dự án, tiểu dự án; tăng cường vận động người dân cùng nâng cao nhận thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, trong việc tham gia các dự án, hạn chế tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Xuân Vĩnh, thời gian tới, Huyện ủy sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện tập trung giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG đã được giao, khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần. Đồng thời, chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, người có uy tín cùng tham gia thực hiện các chỉ tiêu của chương trình, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.
DUY ĐĂNG
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn