Việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế đối với những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay. Hành vi cố tình trốn tránh cách ly y tế là vi phạm pháp luật, cần bị lên án và xử lý nghiêm.
Ngày 29.1.2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, những người cố tình trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chịu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
ĐVTN tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và vận động người dân khai báo y tế. Ảnh: HỒNG PHÚC
Ông Trương Đình Hy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin cụ thể: - Khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP (NĐ 176) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. NĐ 176 cũng quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ. Đối với hành vi không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý theo quy định. Theo đó, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; phạt 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Các hành vi cố tình trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chịu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. ● Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hành vi không chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng, vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định… sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông? - Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có thông báo, yêu cầu, khuyến nghị cá nhân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Do vậy, người nào không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 11, NĐ 176. Hành vi này bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng. Trường hợp người bị bệnh không đeo khẩu trang để lây lan dịch bệnh Covid-19 còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với hành vi vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định thì căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị. ● Ông có khuyến cáo gì đối với những người thuộc diện phải cách ly để theo dõi bệnh? - Theo quy định tại Điều 49, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly. Như vậy, pháp luật quy định cách ly y tế là một biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm. Vi rút SARS-CoV-2 lây từ người sang người và với khả năng lây lan nhanh như vậy thì những người thuộc diện phải cách ly nên tuyệt đối thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bởi vì cách ly trước hết là để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và người thân mình; sau đó, là để thực hiện nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật, và đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. ● Xin cảm ơn ông!