Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Bình Định. Ảnh: N.H |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10.4.2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị 32-CT/TW, nhằm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024.
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu lên những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; đồng thời nêu lên những cách làm hay trong phát triển thủy sản; việc đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu rõ, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh Bình Định đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong phát triển thủy sản bền vững. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: N.H |
Để góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tỉnh Bình Định sẽ tập trung triển khai quyết liệt các các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghiêm đối với nhóm tàu cá ngoài tỉnh xuất, nhập bến thường xuyên tại các địa phương, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quan tâm đầu tư nâng cấp các cảng cá và các khu neo đậu, trú tránh bão để thực hiện tốt công tác quản lý đội tàu, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, DN và cộng đồng ngư dân về phát triển bền vững ngành thủy sản. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cùng với đó, cần có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển KT-XH nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế.
NGUYỄN HÂN
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn