Ðất nước trọn niềm vui, non sông liền một dải

Chủ nhật - 28/04/2024 08:36
Cách đây 49 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng 30.4.1975 mãi mãi là bản anh hùng ca bất hủ; là mốc son chói lọi mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu
Nhân dân đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu

Thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng   

Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25.3.1975 đã nêu rõ: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam… Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn cũng được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Và, ngay từ đầu tháng 4.1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta sống những ngày hết sức sôi động, “một ngày bằng hai mươi năm”. Cả dân tộc ra quân trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.

Ngày 9.4, quân ta tiến công vào Xuân Lộc (Đồng Nai), một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21.4, địch tháo chạy khỏi Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn được mở; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

17 giờ ngày 26.4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Tất cả 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn. Ngày 28.4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào Tân Sơn Nhất, chiều hôm đó phi công ta dùng 5 máy bay chiến đấu phản lực A37 thu được của địch mở đợt tập kích vào khu vực chứa máy bay của chúng.

Đêm 28 rạng sáng 29.4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như “Chậm trễ là có tội với lịch sử”, “Thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được truyền đi. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.

9 giờ 30 phút ngày 30.4, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa nhậm chức hôm 28.4 kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền” nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ.

10 giờ 45 phút ngày 30.4, xe tăng của ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt toàn bộ thành viên chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập vào thời khắc trưa 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng hẻo lánh, các hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc Việt Nam cùng hát vang khúc khải hoàn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng; lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.

Phân tích về chiến thắng 30.4.1975, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Thọ (75 tuổi, đang sống ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) cho rằng: Bên cạnh yếu tố quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo, sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, còn là sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng khi nghe nhắc lại chiến dịch Hồ Chí Minh, trong ông như trẻ lại. Ông Thọ kể, để góp công làm nên chiến thắng trong chiến dịch Tây Nguyên (diễn ra từ ngày 4 - 24.3.1975), ông tham gia trong Đội biệt động thành đánh chiếm TX Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh mở màn cho cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1975 này, mặc dù quân địch ngoan cố chống trả quyết liệt, nhưng với sự anh dũng, mưu trí, đánh chắc, thắng chắc, đơn vị của ông đã buộc quân địch phải buông súng đầu hàng.

Còn theo Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Phúc (71 tuổi, đang sống ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để có chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải kể đến sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng dân, trên dưới đồng lòng, triệu người như một. 

“Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ sức mạnh, nhất tề đứng lên của quân và dân cả nước; là sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam anh hùng. Đó là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; đồng thời cũng tỏ rõ sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại Hồ Chí Minh”, bà Phúc nhìn nhận. 

* * *

49 mùa Xuân đã đi qua, đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30.4.1975 in dấu ấn sâu đậm, ngời sáng, là nguồn cổ vũ cho cả dân tộc và nhân dân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng, vững bước trên đường phát triển.   

 NGUYỄN HÂN

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây