Triển khai đồng bộ giải pháp, tạo chuyển biến mạnh trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 14/12/2023 14:08
Ðó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua tỉnh Bình Ðịnh chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; cùng lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh và các địa phương tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: T.LỢI

Bước chuyển biến tích cực

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2023 và phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Nhờ đó, nông thôn đã có nhiều khởi sắc, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH chung của tỉnh. Thành quả này nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, qua đó tạo điều kiện triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các cấp, ngành cũng chủ động đề xuất, hướng dẫn, hỗ trợ, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương, lồng ghép các chương trình, đề án… góp phần huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM, đặc biệt là nguồn lực trong dân. Chưa kể, việc người dân chủ động thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang ứng dụng các tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình điểm, mô hình mẫu trong trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng tạo đầu ra sản phẩm cũng góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho rằng, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn và hạn chế. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu dự hội nghị chỉ rõ, như: Bộ máy giúp việc thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 chưa được quy định rõ ràng, cụ thể từ Trung ương đến cơ sở gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Bộ tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn này quy định một số nội dung chưa sát với thực tế, trong đó có tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải nguy hại ở hộ gia đình… Tiêu chí văn hóa quy định trung tâm văn hóa - thể thao xã tách biệt với khu hành chính xã, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 phần lớn các xã có trung tâm văn hóa - thể thao gắn liền với khu hành chính xã. Tỷ lệ tăng hằng năm của tiêu chí thu nhập là rất cao (bình quân mỗi năm tăng thêm 5 triệu đồng/người) sẽ là thách thức không nhỏ cho các địa phương duy trì đạt chuẩn tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Nguồn lực của Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình giai đoạn này còn thấp (chỉ bằng 50% của giai đoạn 2016 - 2020). Trong khi bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 quy định cao hơn, các xã thực hiện đạt chuẩn NTM giai đoạn này hầu hết là các xã khó khăn, cần nhiều nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho hay: Nhìn chung, việc xây dựng NTM đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện, mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được đảm bảo. Đến nay, huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM (xã An Hòa và An Tân). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở còn ít, ngân sách địa phương hạn chế trong khi nhu cầu của các xã xây dựng NTM là rất lớn.
 

Đồng bộ giải pháp

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 94 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 37 số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 7 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu: Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong điều hành, lãnh đạo. Các địa phương đăng ký xây dựng NTM phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư các tiêu chí xây dựng NTM mà các xã, huyện chưa đủ (nguồn lực của các DN, người dân bên cạnh nguồn vốn ngân sách) để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng, nâng cao các mô hình sản xuất để tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân cần được các sở, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai. Các xã NTM, NTM nâng cao cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí đạt được, trong đó có tiêu chí về môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn 2021 - 2026; toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn...). Chính quyền cấp huyện, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng NTM, qua đó sớm có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn.

Tổng vốn ngân sách các cấp bố trí trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 là hơn 1.654 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 320 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 146 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hơn 1.187 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn này, vốn huy động các nguồn lực khác thực hiện chương trình là trên 38.482 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 111 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có 85 xã đạt chuẩn NTM, 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 5 đơn vị cấp huyện (TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Tại hội nghị, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 32 tập thể và 44 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức  xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023.

TRỌNG LỢI

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây