Dự buổi làm việc có các đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo các bệnh viện Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, các bệnh viện, trung tâm trực thuộc Sở Y tế.
Từ ngày 29.6, ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, đến nay, Bình Định đã phát hiện 854 ca mắc Covid-19 tại 10 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 468 ca mắc đã được cách ly trước đó; 386 ca mắc do lây nhiễm trong cộng đồng. Đã điều trị khỏi 604 ca. Có 10 trường hợp tử vong.
Đến nay, ngành Y tế đã tổ chức tiêm được 132.121 mũi vắc xin cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 26.799 người được tiêm 1 mũi vắc xin; 52.661 người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Ngành y tế tiếp tục triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Y tế đã xây dựng phương hướng phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới với 3 mục tiêu chính. Đó là chủ động phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch lớn; đảm bảo phát triển KT-XH trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo an ninh, trật tự; từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tại các vùng/khu vực an toàn, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Sở Y tế đề ra phương hướng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, vận động, Sở Y tế đặc biệt nhấn mạnh đến các biện pháp ngăn chặn, phát hiện sớm dịch bệnh, xét nghiệm tầm soát phát hiện ca bệnh.
Việc xét nghiệm tầm soát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng được thực hiện theo nguyên tắc sau: Xét nghiệm sàng lọc định kỳ tối thiểu 10 ngày/lần đối với các vùng/khu vực không có ổ dịch cộng đồng hoặc có ổ dịch nhưng đã qua 28 ngày không phát hiện ca bệnh mới. Đối với các vùng/khu vực có ổ dịch cộng đồng mới phát sinh ca bệnh, căn cứ vào số lượng ca bệnh xuất hiện và kết quả điều tra, truy vết để kịp thời xác định vùng/khu vực và quy mô cần phong tỏa, giãn cách từ đó xác định phạm vi, số lượng cần phải xét nghiệm sàng lọc; xét nghiệm tầm soát 100% dân số với tần suất 2-4 ngày/lần (tùy theo diễn biến của việc phát hiện F0) và ít nhất 3 lần. Đối với các vùng/khu vực có ổ dịch cộng đồng và đã qua 3 lần xét nghiệm với quy mô 100% dân số nhưng chưa đủ 21 ngày kể từ khi phát hiện ca F0 cộng đồng vào thời điểm gần nhất, thực hiện xét nghiệm tầm soát với quy mô 100% hộ gia đình và xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần. Tiếp tục mở rộng các điểm xét nghiệm bằng test nhanh tự nguyện có trả phí tại các địa phương. Nghiên cứu để tổ chức thí điểm mô hình người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh tại một số địa bàn. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập bắt buộc phải triển khai xét nghiệm sàng lọc ít nhất 2 tuần/lần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Các nhà máy, xí nghiệp, DN phải thực hiện xét nghiệm định kỳ bắt buộc cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế…
Đối với phương hướng thực hiện giãn cách xã hội trong tình hình mới thực hiện dựa trên kết quả xét nghiệm tại cộng đồng, kết quả truy vết và các yếu tố dịch tễ có liên quan. Tại vùng tâm dịch, thực hiện nguyên tắc phong tỏa cứng “ai ở đâu thì ở yên đó”, các vùng lân cận sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch. Trong thời gian giãn cách xã hội cần nhanh chóng xét nghiệm tầm soát để đánh giá số lượng và diễn biến của F0, từng bước tạo các vùng an toàn và thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp theo từng địa bàn thôn/khu phố. Từng bước nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội tại các địa phương trong tỉnh theo hướng vùng đã an toàn thì cho hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động giao thông công cộng, thể thao, giải trí để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống kể cả vật chất và tinh thần.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu một số gợi ý để hoàn chỉnh phương hướng phòng, chống dịch Covid-19 |
Kế hoạch của Sở Y tế cũng nêu rõ các phương hướng phòng chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tại các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; nâng cao năng lực cách ly tập trung; khả năng tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh Covid-19 và năng lực xét nghiệm; kế hoạch tiêm chủng vắc xin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cơ bản thống nhất với Sở Y tế về phương hướng triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới; gửi lời cảm ơn đến lực lượng y tế đã hết mình với công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xác định chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ dài lâu, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu một số gợi ý để hoàn chỉnh phương hướng phòng, chống dịch. Trong giai đoạn mới, mỗi xã, thị trấn, phường là một “pháo đài” phòng chống dịch, vì vậy cần phải có kế hoạch hỗ trợ về nghiệp vụ cho các xã, hướng dẫn các xã xây dựng kịch bản phòng chống dịch. Mặt khác, cần có giải pháp để các chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 chặt chẽ hơn nữa, tránh sót lọt các trường hợp nhiễm bệnh. Về công tác tầm soát, xét nghiệm cần phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, theo đặc trưng của từng vùng dân cư; có sự phối hợp với các lực lượng tại địa phương trong công tác phân luồng để lực lượng y tế tập trung nhiệm vụ xét nghiệm. Về giãn cách xã hội, cần cân nhắc các mức độ giãn cách, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa tạo điều kiện người dân ổn định cuộc sống. Sở Y tế và Sở Tài chính cùng bàn bạc đưa ra cơ chế hỗ trợ các địa phương thực hiện tầm soát, đảm bảo kiểm soát nhanh dịch bệnh, để người dân sớm quay trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường, tham gia sản xuất, kinh doanh đảm bảo đời sống của gia đình. Mặt khác, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ các cơ sở y tế đang khó khăn.
Dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ lực lượng y tế trong tỉnh 1 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tác giả bài viết: NGUYỄN MUỘI
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn