Tham dự Lễ mít tinh có bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Christopher Rassi, Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Băng Cốc - Thái Lan; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; UBND tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành trọng điểm thiên tai; đại diện cơ quan Liên hợp quốc, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Thanh Hóa.
Với chủ đề "Xây dựng để trường tồn”, ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là dịp để toàn xã hội có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về một thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa; qua đó, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức liên quan trong nước và các tổ chức quốc tế, các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho biết: "Đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đào tạo mạng lưới 815 tập huấn viên, hướng dẫn viên về các lĩnh vực liên quan phòng ngừa và ứng phó thảm họa trong toàn quốc; thành lập Phòng Điều hành ứng phó thảm họa và Đội ứng phó thảm họa cấp quốc gia, kết nối với 34 Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 389 Đội ứng phó thảm họa cấp xã; hỗ trợ 585 xã, phường (chiếm hơn 1/3 số xã/phường được Đề án 1002 của Chính phủ tiếp cận) thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố xây dựng cộng đồng an toàn và triển khai hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa như xây dựng nhà tránh trú bão kết hợp các hoạt động sinh hoạt tại địa phương, đường sơ tán an toàn, hệ thống thoát nước, hỗ trợ trường học an toàn,….; tiếp tục duy trì hoạt động của 44 trung tâm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, 26 trạm ứng phó khẩn cấp; xây dựng 30.000 nhà chữ thập đỏ (trong đó, có 20% là nhà an toàn phòng, chống bão lũ); tổ chức các kho hàng cứu trợ khu vực miền Bắc, Trung, Nam".
Theo Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2018 ước tính có hàng triệu người không nhận được hỗ trợ nhân đạo mà họ cần. 5 nguyên nhân phổ biến đó là: Không được biết đến (người dân, địa điểm, hoạt động không được biết đến); Không tiếp cận được (các vùng xa xôi và khó tiếp cận); Thuộc nhóm yếu thế (chủ yếu là người già, người khuyết tật); Không đủ kinh phí hỗ trợ; Các đối tượng không thuộc phạm vi hỗ trợ. Với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, một lần nữa Báo cáo thảm họa thế giới nhấn mạnh và kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế cần hành động nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới.
Ngay sau Lễ mít tinh, Đội Ứng phó nhanh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và nhân dân phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, xử trí một số tình huống khẩn cấp ứng phó với cơn bão đổ bộ vào thành phố, bao gồm: Tổ chức cứu hộ, cứu nạn thuyền gặp nạn trên biển, sơ cấp cứu cho các nạn nhân bị tai nạn thương tích, sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở khu phố có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng.
Tác giả bài viết: Tâm Ánh
Nguồn tin: baonhandao.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn