Trước diễn biến của dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) và nguy cơ lây lan, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur, các viện điều trị bệnh truyền nhiễm tăng cường phòng, chống bệnh mpox và thực hiện nghiêm Công điện 680/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh này.
|
Sáng 25.8, tổ kiểm dịch y tế quốc tế CDC triển khai giám sát thuyền viên tàu hàng nước ngoài nhập cảnh tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: L.PHÚC |
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), từ ca mắc mpox đầu tiên vào tháng 10.2022, đến nay nước ta ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc bệnh, nam giới chiếm hơn 90%. Tại Bình Định, năm 2023 ghi nhận 1 ca mpox là người bị nhiễm HIV đi từ tỉnh Đồng Nai về - thời điểm phát hiện ca mpox ở tỉnh này.
Tăng cường khâu kiểm dịch y tế
Trước yêu cầu khẩn trương phòng chống mpox, ngày 23.8, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh mpox, đặc biệt giám sát phát hiện sớm ca bệnh.
Đến sáng 25.8, CDC triển khai tổ kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ mpox nhập cảnh ngay tại Cảng Quy Nhơn. Bác sĩ Truyền cho hay, Cảng Quy Nhơn là nơi giao lưu trực tiếp các nước nên nguy cơ mpox xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. CDC đề nghị Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Cảng Quy Nhơn và các đại lý trực tiếp làm tàu phối hợp chủ động giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện, cách ly khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh mpox; xây dựng kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh mpox. “Những trường hợp thuyền viên tàu nhập - xuất cảnh có biểu hiện sốt, phát ban với mụn nước, đau họng, đau cơ…, các đại lý làm tàu phải thông báo kịp thời cho CDC”, bác sĩ Truyền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, CDC tăng cường giám sát chủ động tại cơ sở khám chữa bệnh. Giám sát lồng ghép giám sát dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cơ sở khám chữa bệnh phụ khoa, da liễu, cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường triển khai và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch mpox. Tham mưu cho Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, chống lây nhiễm bệnh mpox.
Đồng thời, CDC Bình Định phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang để thực hiện việc phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch mpox tại các địa phương, kịp thời phát hiện ca bệnh/chùm ca bệnh, nguồn lây, tác nhân…
Sàng lọc tại cơ sở khám, chữa bệnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly trường hợp bệnh nghi ngờ, xác định mắc mpox; kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm. Kịp thời cung cấp thông tin cho TTYT địa phương và CDC khi phát hiện bệnh nhân nghi mắc mpox để giám sát, khoanh vùng cách ly.
TTYT tuyến huyện tham mưu UBND cấp huyện thực hiện rà soát kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống sẵn sàng đáp ứng khi dịch mpox xảy ra. Tuyên truyền cho người dân về tình hình bệnh mpox, biện pháp dự phòng; khuyến cáo chủ động khai báo với cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, không để người dân hoang mang.
Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Võ Văn Trung cho hay: Các khoa, phòng, trạm y tế phải giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm ca bệnh mpox trong cộng đồng. Trạm y tế rà soát thuốc, thiết bị, nhân lực sẵn sàng điều kiện thu dung, điều trị, phân tuyến điều trị và cách ly bệnh nhân; phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở; tổ chức tuyên truyền cho người dân.
Các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng giám sát phát hiện sớm ca bệnh. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Ngô Xuân Thế yêu cầu các khoa, phòng chủ động, phối hợp điều tra để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý, không để dịch lây lan trong bệnh viện và ra cộng đồng; phối hợp điều trị ca bệnh không để xảy ra lây nhiễm chéo. Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Vũ Tuấn Anh cho biết, bệnh nhân đến khám có nghi ngờ mắc mpox sẽ được bệnh viện làm xét nghiệm xác định ngay ca bệnh…
• Bệnh mpox lây truyền từ động vật sang người; lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có các triệu chứng điển hình: Phát ban có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần, sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết; phát ban trông giống như mụn nước hoặc vết loét, có thể xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, háng, bộ phận sinh dục, hoặc hậu môn.
• 6 biện pháp phòng bệnh: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân cần chủ động đến cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; tránh tiếp xúc gần với người mắc mpox, không tự ý điều trị bệnh; người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh mpox (khu vực Trung và Tây Phi) chủ động khai báo với y tế địa phương để được tư vấn; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc CDC Bình Định
THU HIỀN