Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử

Thứ tư - 14/08/2024 08:32
Ðến cuối tháng 7.2024, ngành y tế đã cập nhật, chuẩn hóa thông tin quản lý gần 1,5 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trong tỉnh, đạt tỷ lệ 95%; trong số này, 1,4 triệu người là thông tin chuẩn hóa có gắn với dữ liệu từ căn cước công dân.
Ông V.B. (Nhơn An) khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nhơn An.  Ảnh: M.H
Ông V.B. (Nhơn An) khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nhơn An. Ảnh: M.H
Sáng 9.8, ông V.B. (SN 1959, xã Nhơn An, TX An Nhơn) đến Trạm Y tế xã Nhơn An khám bệnh gan và được cấp thuốc Boganic. Mắc bệnh gan nhiều năm nay, nên ông B. thường xuyên phải đến các bệnh viện trong tỉnh và trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Đến mỗi cơ sở y tế, bắt buộc ông phải có một cuốn sổ khám bệnh riêng. Mỗi lần khám bệnh, ông B lại phải cung cấp toàn bộ thông tin về tiểu sử bệnh, sau đó bác sĩ chỉ định thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, với dữ liệu hồ sơ y tế điện tử được Trạm Y tế xã Nhơn An cập nhật trên cơ sở dữ liệu được lấy từ CCCD làm mã định danh, toàn bộ thông tin về bệnh, thời gian khám, nơi khám, chẩn đoán bệnh, thuốc sử dụng… của ông B đều được lưu trữ. “Có dữ liệu này thì tôi đỡ được rất nhiều thời gian để trình bày với bác sĩ mỗi lần khám, lấy thuốc mà không phải “nhớ nhớ quên quên”, ông B. chia sẻ.
Theo cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Thu Thủy, phụ trách Trạm Y tế xã Nhơn An, trước đây trạm đã tạo được dữ liệu của phần lớn người dân trên địa bàn từ hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19, tiêm chủng quốc gia, phần mềm quản lý khám, chữa bệnh. Năm 2024, triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử được lấy số CCCD làm mã định danh, trạm cập nhật, chuẩn hóa toàn bộ thông tin để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân công dân. Đến nay, Nhơn An đã chuẩn hóa thông tin hồ sơ sức khỏe điện tử của 10.378 người dân (100%).
Bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết, 98% nhân khẩu của thị xã đã được cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu và quản lý bằng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Trong tháng 8 này sẽ hoàn thành chuẩn hóa toàn bộ 100%, khi đó mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử.
Kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe hiện gồm 2 trường thông tin là “Thông tin hành chính” và “Thông tin sức khỏe”. Với 31.344 nhân khẩu, việc thực hiện chuẩn hóa thông tin hồ sơ sức khỏe công dân là khối lượng công việc rất lớn của Trạm Y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn). Đến hết tháng 7.2024, trạm đã hoàn tất chuẩn hóa thông tin; trong số này có 97% nhân khẩu có CCCD, 95% nhân khẩu được quản lý sức khỏe. Trưởng trạm Trà Văn Trinh nói rằng, việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân rất cần thiết vì có nhiều ích lợi cho người dân lẫn cơ sở khám, chữa bệnh. Có hồ sơ này, bác sĩ nắm được tiền sử bệnh nhân sử dụng những loại thuốc gì, mắc bệnh lý gì, có dị ứng với thuốc gì không. Từ đó, bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhanh, chính xác, giúp điều trị sớm ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu với những bệnh thông thường, hạn chế biến chứng.
Còn bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc TTYT huyện An Lão, cho rằng, để rà soát “Thông tin hành chính” của 31.530 nhân khẩu của huyện là khối lượng công việc lớn đối với các trạm y tế, bởi mỗi trạm có 1 nhân viên phụ trách công tác quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. 8 trạm y tế trên địa bàn huyện đã chuẩn hóa thông tin dữ liệu cho 30.912 nhân khẩu (98%). “Hiện còn Trạm tế xã An Hòa tiếp tục chuẩn hóa thông tin cho khoảng 500 người dân là đảm bảo huyện hoàn tất tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử công dân” ông Tiếp nói.
Theo Sở Y tế, đến hết tháng 7.2024, ngành y tế đã cập nhật, chuẩn hóa thông tin quản lý gần 1,5 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trong tỉnh (đạt 95%); 1,4 triệu người là thông tin chuẩn hóa có gắn với dữ liệu từ CCCD; hơn 1,4 triệu người (88%) được quản lý sức khỏe. Sở yêu cầu các TTYT huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn tất cập nhật, chuẩn hóa thông tin trong tháng 8.2024.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân dựa trên nền tảng ứng dụng VNeID, những định dạng chuẩn dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT, liên thông qua hạ tầng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp về y tế. Khi có hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi người khi cần khám, chữa bệnh có thể đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trong cả nước với nhiều thuận lợi. Bác sĩ khi nhận bệnh sẽ truy cập thông tin trên hệ thống, biết được tiền sử bệnh của người dân và đưa ra những chẩn đoán cũng như cách điều trị sớm, đem lại hiệu quả cao.
MAI HOÀNG
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây