Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng

Thứ hai - 27/05/2024 10:46
Các bệnh lý nội tiết - đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa đang có tốc độ gia tăng nhanh, kéo theo những biến chứng bệnh lý nguy hiểm, trở thành gánh nặng cho bệnh nhân, cộng đồng và ngành y tế.
Bệnh nhân đái tháo đường được điều trị tại khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh (ảnh chụp sáng 26.5). Ảnh: M.H
Bệnh nhân đái tháo đường được điều trị tại khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh (ảnh chụp sáng 26.5). Ảnh: M.H
Đó là một trong những vấn đề quan trọng được tập trung thảo luận tại Hội nghị Nội tiết - Đái tháo đường - Rối loạn chuyển hóa miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ XV năm 2024, tại TP Quy Nhơn ngày 25.5. Hội nghị do BVĐK tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Nội tiết - Đái tháo đường Đà Nẵng tổ chức, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành nội tiết, đái tháo đường, tim mạch, nội tiết nhi, rối loạn giấc ngủ…
Sự kiện này được đánh giá là một trong những hoạt động khoa học uy tín. Gần 200 báo cáo chuyên đề, báo cáo khoa học được trình bày đã cập nhật nhiều vấn đề liên quan đến đái tháo đường; tiền đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa; nội tiết, tim mạch, chuyển hóa; quản lý biến chứng đái tháo đường; quản lý bệnh tim mạch do xơ vữa; quản lý bệnh tuyến giáp; kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường; quản lý bệnh bàn chân đái tháo đường; béo phì và rối loạn chuyển hóa; sa sút trí tuệ và bệnh nội tiết; bệnh nội tiết, chuyển hóa ở người cao tuổi…
Hội nghị đưa ra thông tin, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường…
Trong đó, đái tháo đường có tần suất mắc bệnh gia tăng nhanh, ở nước ta tỷ lệ mắc ước tính 7,1% (tương đương khoảng 5 triệu người); trong đó có đến 55% có biến chứng, chiếm tỷ lệ cao là biến chứng tim mạch (34%) và thận (24%). Từ vị trí thứ 7, hiện đái tháo đường đã lên vị trí thứ 3 trong 10 nguyên nhân bệnh tật gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy đái tháo đường là một trong các vấn đề sức khỏe cần được quan tâm hàng đầu.
 
“Lần thứ 3, BVĐK tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức Hội nghị Nội tiết - Đái tháo đường - Rối loạn chuyển hóa miền Trung và Tây Nguyên mở rộng. Đây là cơ hội quý để các chuyên gia, y, bác sĩ trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm; đồng thời giúp “kết nối cộng đồng, lan tỏa tri thức” y học nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao hơn nữa chất lượng phòng, chống các bệnh lý nội tiết - đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng”.
TS.BS NGUYỄN HOÀNH CƯỜNG, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định
Tại hội nghị, những tiến bộ mới nhất trong quản lý và điều trị đái tháo đường, bao gồm phương pháp điều trị hiện đại và kết quả từ những nghiên cứu lâm sàng gần đây, được các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành cập nhật, chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Hải Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ: Khi nói đến đái tháo đường, nhất là đái tháo đường tuýp 2 người ta thường liên tưởng đến các biến chứng tim mạch, đặc biệt bệnh tim mạch do xơ vữa bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên… Bên cạnh đó, suy tim và bệnh thận đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho người bệnh đái tháo đường. Một số bệnh lý phổ biến khác cùng tồn tại với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu… là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh xơ vữa động mạch và ngay bản thân bệnh đái tháo đường cũng là nguy cơ tim mạch độc lập. Do đó, cần sàng lọc, điều trị kịp thời để giảm nguy cơ biến chứng tim mạch trên bệnh nhân đái tháo đường.
Tại Bình Định, tỷ lệ mắc đái tháo đường hiện tương đương với tỷ lệ cả nước. Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 chưa được kiểm soát đường huyết tốt và có sự chậm trễ trong điều trị, làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch nặng (nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ).
Bác sĩ CKII Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), đặt vấn đề: Cần bảo vệ sớm bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 để phòng ngừa biến chứng, giúp giảm gánh nặng về chi phí và cải thiện tiên lượng bệnh nặng cho bệnh nhân. Bên cạnh kiểm soát đường huyết, các hướng dẫn điều trị hiện nay khuyến cáo lựa chọn thuốc đái tháo đường cần được cá thể hóa, ưu tiên giảm nguy cơ tim mạch và thận, cũng như quản lý cân nặng.
Hội nghị đã cung cấp cho đội ngũ y, bác sĩ nhiều kiến thức được cập nhật và rất hữu ích trong điều trị, chăm sóc và quản lý người bệnh đái tháo đường, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
MAI HOÀNG
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây