Tối ưu hóa quy trình cấp cứu điều trị đột quỵ

Thứ ba - 04/06/2024 07:51

Tối ưu hóa quy trình cấp cứu điều trị đột quỵ

BVÐK tỉnh Bình Ðịnh chuyển giao kỹ thuật cấp cứu điều trị đột quỵ cho BVÐK tỉnh Gia Lai từ năm 2022; đồng thời sẽ tiếp tục kết nối với BVÐK các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để xây dựng mạng lưới cấp cứu điều trị đột quỵ giữa các tỉnh, tối ưu hóa được quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu bệnh nhân.
Khoảng 17% bệnh nhân ngoài tỉnh
Tháng 4.2024, khoa Thần kinh - Đột quỵ (BVĐK tỉnh Bình Định) cấp cứu điều trị trường hợp bệnh nhân đột quỵ đặc biệt được chuyển viện từ BVĐK tỉnh Khánh Hòa cách 250 km. Đó là bệnh nhân N.C (66 tuổi) bị tắc động mạch não giữa bên phải do huyết khối từ tim trôi lên. Hai cơ sở y tế đã phối hợp nhịp nhàng và khẩn trương từ chuyển bệnh an toàn đến đón bệnh nhân và xử lý thành công, cứu sống bệnh nhân sau khi được ê kíp can thiệp của khoa Thần kinh - Đột quỵ lấy bỏ huyết khối, tái thông mạch thành công trong 45 phút can thiệp.
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung và ê kíp khoa Thần kinh - Đột quỵ, BVĐK tỉnh Bình Định cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: M.H

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ (BVĐK tỉnh Bình Định), thời gian cửa sổ điều trị tái thông đột quỵ thiếu máu não cấp đạt hiệu quả tốt nhất hiện nay tại bệnh viện bằng thuốc tiêu sợi huyết là khoảng gần 5 giờ đầu tiên - tính từ thời điểm bệnh khởi phát. Với can thiệp bằng lấy huyết khối cơ học, thời gian cửa sổ điều trị là 6 giờ cho tất cả các bệnh nhân đột quỵ; có thể lên đến 24 giờ cho một số trường hợp cụ thể. Khoa đã triển khai rất tốt quy trình điều trị đột quỵ não cấp. Đặc biệt, Đội đột quỵ dần hoàn thiện quy trình và mở rộng mạng lưới cấp cứu, xử lý nhanh các trường hợp nhồi máu não cấp đến khám tại bệnh viện. Thời gian qua, Đội đột quỵ của bệnh viện đã tiếp nhận các bệnh nhân cách xa bệnh viện hơn 100 km và đã cấp cứu kịp thời, điều trị thành công ngoạn mục.
Qua 9 năm triển khai, hiện nay, BVĐK tỉnh Bình Định có thể tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết và cả kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối động mạch, tái thông mạch máu trong điều trị nhồi máu não đến sớm. Số lượng và tỷ lệ bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật tiêu huyết khối tăng đáng kể.
“Hằng năm, khoa Thần kinh- Đột quỵ điều trị cho gần 6.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm khoảng 17%. Đặc biệt, can thiệp nội mạch tại bệnh viện phát triển rất sớm, vào tháng 5.2010, tạo thuận lợi phát triển mạnh mẽ kỹ thuật can thiệp cấp cứu đột quỵ, lấy huyết khối tái thông mạch não cho các trường hợp tắc mạch máu não lớn. Đây là kỹ thuật mà ít BVĐK tuyến tỉnh thực hiện được”, bác sĩ Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Xây dựng mạng lưới cấp cứu điều trị đột quỵ
Cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn. Các hậu quả đáng tiếc này không chỉ do đột quỵ gây ra mà còn do người bệnh không được đưa đúng đến nơi điều trị. Từ đây, vấn đề xây dựng mạng lưới để tối ưu hóa được quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cũng được đặt ra tại hội thảo “Tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ và xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ”, do BVĐK tỉnh Bình Định phối hợp với Chương trình Angels tại Việt Nam tổ chức chiều 31.5.
Thông tin tại hội thảo này, BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho hay đã triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết trong cấp cứu điều trị đột quỵ từ năm 2021; riêng bệnh nhân tắc mạch máu lớn nặng chủ yếu chuyển tuyến đến TP Hồ Chí Minh thực hiện (Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy); gần đây nhất đã chuyển bệnh nhân ra BVĐK tỉnh Bình Định. “Dự kiến quý IV năm nay, chúng tôi sẽ triển khai kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân đột quỵ”, PGS.TS.BS Huỳnh Văn Thưởng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa, cho hay.
Trong khi đó, kỹ thuật can thiệp cấp cứu đột quỵ, lấy huyết khối tái thông mạch não cho các trường hợp tắc mạch máu não lớn cũng đang được BVĐK tỉnh Bình Định chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh Gia Lai, theo ký kết từ năm 2022.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Yên, cũng cho biết đang xây dựng kế hoạch đề nghị BVĐK tỉnh Bình Định hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật để triển khai đơn vị điều trị đột quỵ tại bệnh viện.
Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định cho biết, để kịp thời chẩn đoán và xử trí bệnh nhân đột quỵ đòi hỏi sự ứng biến nhanh, phối hợp kịp thời trong khâu khám, chẩn đoán và xử trí. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người dân biết và hiểu được vai trò của việc phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ để khám sớm và kịp thời xử trí cũng như vai trò của các bệnh viện vệ tinh xung quanh bệnh viện tỉnh chuyển bệnh nhân kịp thời. Do đó, việc mở rộng mạng lưới cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời của các cơ sở y tế vệ tinh xung quanh BVĐK tỉnh Bình Định, cũng như xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ, kết nối giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận rất cấp thiết và cần thiết cho bệnh nhân đột quỵ.
 
Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ cao nhất trên thế giới, hằng năm có khoảng 200 nghìn ca đột quỵ mới. Trong số này, 70% bệnh nhân bị đột quỵ do tắc mạch máu nhỏ có thể can thiệp bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết; đặc biệt 30% là tắc mạch máu lớn cần phải tái thông bằng tiêu sợi huyết và can thiệp mạch (và 30% số này phải chuyển tuyến lên các bệnh viện có khả năng can thiệp được).
Mạng lưới đột quỵ hiện nay đã gần như bao phủ trong nước, tuy nhiên ở một số ít vùng, nhất là khu vực Tây Nguyên, mạng lưới này vẫn còn khá mỏng. Việc xây dựng một trung tâm có khả năng can thiệp và hỗ trợ cho các bệnh viện chưa triển khai được can thiệp đột quỵ cho khu vực này là cần thiết. 
Th.S-Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trang, Quản lý Chương trình Angels tại Việt Nam.
MAI HOÀNG
 

Nguồn tin: Báo Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây