Đồng hành với người bệnh khó khăn
Hoạt động bài bản nhất hiện nay là Phòng Công tác xã hội (CTXH) của BVĐK tỉnh (thành lập vào ngày 27.2.2018). Phòng có 3 tổ với 21 nhân viên (Tổ Chăm sóc khách hàng, Tổ CTXH, Tổ TT&TT), cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt 5 vai trò: Tiếp đón, chỉ dẫn thông tin; tham vấn tâm lý; truyền thông; vận động, tiếp nhận tài trợ; tổ chức sự kiện. Với phương châm “Chuyên nghiệp - sáng tạo và phát triển”, Phòng đưa ra nhiều mô hình phù hợp với thực tế đối tượng bệnh nhân của bệnh viện, đồng thời tích cực học hỏi các tỉnh, thành bạn để giải quyết tốt nhất mọi khó khăn người bệnh gặp phải trong quá trình vào bệnh viện khám, chữa bệnh.
Chiều 31.3, bà N.V.H (ở huyện Tuy Phước) vào BVĐK tỉnh nhận thuốc cho người mẹ đã hơn 90 tuổi đang bị ốm nằm ở nhà. Nhìn vẻ lo lắng của bà H., chị Lê Thị Ngọc Huệ, nhân viên Phòng CTXH, trấn an: “Mời cô theo con vào gặp lãnh đạo khoa Khám để xem xét việc này”. Bà H. thở phào, yên tâm bước theo chị Huệ. Cùng lúc đó, chị Nguyễn Thị Phước, một nhân viên khác của Phòng CTXH cầm xấp giấy tờ lãnh đạo bệnh viện vừa ký xong để phát cho bệnh nhân. Ở các khoa điều trị nội trú, biết ai có hoàn cảnh khó khăn, người này mách người kia, báo với bác sĩ, để bác sĩ thông tin lại Phòng CTXH kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ.
“Mô hình hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư được thoải mái về tinh thần bằng bánh trái, nước, tạp chí, chương trình truyền hình phù hợp suốt quá trình trước và trong điều trị bằng phương pháp hóa trị liệu tại khoa Ung bướu khởi động từ tháng 4.2022 đến nay cho kết quả rất tích cực. Phòng đang tìm kiếm nguồn lực để nhân rộng mô hình sang bệnh nhân chạy thận trong những tháng tới”, Trưởng Phòng CTXH BVĐK tỉnh Nguyễn Phan Thạch cho hay.
Tổ CTXH TTYT huyện Phù Cát thường xuyên vận động nhà hảo tâm tặng tiền, quà hỗ trợ bệnh nhân khó khăn. Ảnh: TTYT huyện Phù Cát |
Niềm vui đẩy lùi áp lực
Ở tuyến huyện, các TTYT không có phòng CTXH mà chỉ có tổ CTXH, thường giao cán bộ, nhân viên điều dưỡng đảm trách. Trong bối cảnh “người ít, việc nhiều” như vậy, các anh chị vẫn không ngừng nỗ lực, làm mọi việc hỗ trợ người bệnh bằng “cái tâm trong sáng nhất”.
Một trong những điểm nổi bật của các tổ CTXH tuyến huyện là tổ chức tốt những suất cơm, suất cháo từ bếp ăn tình thương, giúp bệnh nhân có những bữa ăn vừa miễn phí, vừa đảm bảo dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe. Các chị cho biết, nhiều bệnh nhân ở huyện có hoàn cảnh khó khăn; không khó về tiền bạc thì lại không người trông nom, chăm sóc. Riêng số ở xa tới điều trị thì bất tiện đủ điều. Dân quê hay ăn nhín nhịn thèm, nhiều người đâm “ghiền” những suất cháo, suất cơm được đổi món, đổi vị liên tục.
Vừa làm điều dưỡng vừa làm CTXH hẳn nhiên rất áp lực, nhưng niềm vui đã khỏa lấp hết sự vất vả. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Sương (TTYT huyện Phù Cát) khoe tờ phiếu thu ghi ngày 23.3.2023 của nhà hảo tâm tên Nguyễn Thị Mùi (đến từ tỉnh Gia Lai) tiếp tục ủng hộ bếp ăn tình thương 4 triệu đồng. Chị Sương bảo, từ một lần đến thăm người quen điều trị, nhà hảo tâm này tài trợ từ năm ngoái đến nay mỗi tháng 1 triệu đồng cho bếp ăn. “Gọi điện thoại, chị chị em em thân thiết, vui vẻ lắm; nhưng tôi chưa lần nào gặp được chị ấy”, chị Sương kể.
Nhiều niềm vui bất ngờ tương tự đang tiếp sức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH tại các cơ sở y tế. “Không ít lần đang mê mải công việc chuyên môn thì giật mình khi điện thoại rung. Nhà hảo tâm gọi đến nhờ đếm giùm số bệnh nhân khó khăn đang điều trị để tặng sữa, chuối, bánh, gạo… Tắt điện thoại xong, tôi thấy thật vui, bởi cảm nhận sự ấm áp của tình người. Cứ vậy, ngày nối ngày thôi thúc những người làm CTXH luôn rất nhiều việc như chúng tôi không ngừng cố gắng…”, Trưởng Phòng Điều dưỡng TTYT TP Quy Nhơn Huỳnh Thị Nữ Hoàng tâm tình.
Tác giả bài viết: NGỌC TÚ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn