Tại hội thảo, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở VN ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm khoảng 94% tổng số ca ghép tạng. Bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người.
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, đối tượng phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người ngày càng nhiều thủ đoạn, hướng đến các bộ phận như thận, gan, giác mạc. Số tiền mua bán thận có thể là 500 - 700 triệu đồng, có trường hợp các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu - 1 tỉ đồng/thận nhưng người bán chỉ nhận được 200 - 250 triệu đồng.
Đề xuất nâng độ tuổi hiến tạng
Theo thông tin từ hội thảo, vận động để tăng người hiến tạng chết não cũng góp phần tăng nguồn tạng cho ghép, từ đó giảm các nguy cơ mua bán tạng, bộ phận cơ thể người từ người cho sống. Cả nước có khoảng 10.000 ca tử vong do tai nạn giao thông/năm, trong đó nhiều ca chết não. Nếu mỗi năm vận động được 500 trường hợp hiến tạng trong số các ca chết não đó, sẽ thêm rất nhiều người được cứu sống nhờ được ghép tạng.
"Nên có hình thức truyền thông vận động người hiến chết não, vì mỗi năm riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có khoảng 1.000 ca chết não. Nhưng từ năm 2011 đến nay chỉ xin được rất ít", GS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ thêm.
Theo GS Trần Văn Thuấn, chúng ta cũng sẽ xem xét thêm các quy định về phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, như: Bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến - ghép không cùng huyết thống không? Vấn đề bảo mật thông tin người hiến, người ghép…
Bộ Y tế đang hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người sửa đổi trình Quốc hội trong thời gian tới.
Trong đó, hoàn thiện thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác như vấn đề đăng ký hiến qua hình thức trực tuyến; kiểm tra thông số sinh học của người hiến khi đăng ký; cập nhật thông tin người hiến lên phần mềm Hệ thống quản lý và điều phối ghép tạng quốc gia…
Theo Bộ Y tế, việc cấp thẻ đăng ký hiến và lộ trình, giải pháp tích hợp với thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để bảo đảm thuận tiện, dễ truy cập và đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư đang được số hóa.
Vấn đề điều phối ghép tạng cần sửa đổi các quy định về nguyên tắc, quy trình điều phối, hệ thống phần mềm điều phối ghép tạng… như thế nào cho hiệu quả, khả thi nhất. Cùng với đó, cơ chế kiểm soát hoạt động hiến, ghép tạng để bảo đảm tính khách quan, phòng chống vi phạm, tiêu cực, ngăn ngừa hiện tượng môi giới, mua bán mô, bộ phận cơ thể.
Tác giả bài viết: Theo thanhnien.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn