Vui Hội bài chòi dân gian

Thứ sáu - 27/01/2023 14:57
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là cái Tết vui tươi nhất sau hai năm bị ảnh hưởng dịch bệnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được các địa phương rộn ràng tổ chức. Trong đó, tiếng hô bài chòi lại rộn vang khắp nơi, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong tỉnh dịp Tết đến, Xuân về.
Vui Hội bài chòi dân gian
Rộn ràng Hội bài chòi
TP Quy Nhơn là địa phương chú trọng duy trì tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ người dân và du khách, góp phần bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật bài chòi. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Tết này, ngoài các chương trình văn hóa, văn nghệ, TDTT, chúng tôi còn tổ chức hội đánh bài chòi dân gian từ mùng 2 Tết đến rằm tháng Giêng tại khu vực bãi cỏ Quảng trường Nguyễn Tất Thành - góc ngã 5 Ngô Mây- Nguyễn Tất Thành để phục vụ nhân dân. Ngoài ra, trong đêm mùng 6 Tết sẽ tổ chức Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian với sự tham gia của 5 đội bài chòi các phường, xã của thành phố”.
Tết này, xã bán đảo Nhơn Hải lại rộn vang tiếng hô bài chòi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tết Quý Mão, tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), tiếng hô bài chòi lại rộn vang. Dù thời tiết những ngày đầu năm khá lạnh, hội bài chòi xã Nhơn Hải tổ chức tại bãi biển vẫn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải, cho biết: Sau hai năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, hội bài chòi đã tổ chức trở lại phục vụ bà con nhân dân trong xã từ mùng 1 - 3 Tết. Dù việc chuẩn bị còn chưa tốt lắm, nhưng bà con rất quan tâm, nhiệt tình ủng hộ, làm chúng tôi phấn chấn lắm, càng cố gắng phục vụ hết mình và chuẩn bị tốt để tham gia Hội thi diễn xướng bài chòi Xuân Quý Mão do thành phố tổ chức mùng 6 Tết”.
Để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội bài chòi Tết Quý Mão tại Lễ hội Chợ Gò diễn ra từ mùng 1 - 2 Tết, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian huyện Tuy Phước, cho biết, từ đầu tháng Chạp năm Nhâm Dần 2022, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức lớp tập huấn hô bài chòi dân gian ở các xã, thị trấn; sửa sang lại các chòi để chuẩn bị phục vụ nhân dân, du khách về trẩy hội Chợ Gò, vui Hội bài chòi đầu xuân…
Sức sống di sản
Hội bài chòi tại Lễ hội Chợ Gò được tổ chức đã thu hút lượng khách “thượng chòi” trong dịp đầu năm rất đông. Chị Nguyễn Thùy Dung, ở thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) làm ăn, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh về quê đón Tết cùng bạn là anh Nethan đến từ Israel hào hứng “thượng chòi” tại Hội bài chòi dân gian Lễ hội Chợ Gò. Chị Dung cho biết, chị rất vui khi thấy quê hương ngày càng phát triển, Tết náo nhiệt. Còn anh Nethan, chia sẻ: “Tôi thấy rất thú vị khi lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền của người Việt Nam tại Bình Định, lại được tham gia một trò chơi rất thú vị, lôi cuốn. Bình Định không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp như các tháp Chăm, mà còn là vùng đất có nhiều di sản như võ cổ truyền, bài chòi dân gian, lễ hội… Tôi thấy không khí ở đây rất vui, người dân Bình Định rất nhiệt tình, thân thiện”.
Hội đánh bài chòi cổ còn được tổ chức tại huyện Tuy Phước, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn… góp thêm không khí rộn ràng ngày xuân trên quê hương xứ Nẫu.
Nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long, thành viên CLB Bài chòi TX Hoài Nhơn, chia sẻ: “Hội bài chòi Hoài Nhơn được tổ chức vào các đêm từ mùng 2 - 5 Tết tại Quảng trường TX Hoài Nhơn ở phường Bồng Sơn. Để hội bài chòi thêm phần tươi mới, hấp dẫn, tôi sáng tác thêm nhiều câu thai ca ngợi quê hương Hoài Nhơn, đặc tả đời sống văn hóa ở địa phương…”.
Tại Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2023), khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) từ mùng 4 - 6 tết Quý Mão vốn đông đúc bởi dòng người trẩy hội, càng trở nên náo nhiệt hơn bởi Hội bài chòi dân gian được tổ chức với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân bài chòi tên tuổi trong tỉnh, như: Nghệ nhân nhân dân Minh Đức, gia đình nghệ nhân ưu tú Trần Hữu Phước, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú… phục vụ mọi người cùng vui hội bài chòi.
Hội bài chòi dân gian trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung khiến không khí thêm phần náo nhiệt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tỏ ra thích thú khi xem hội bài chòi tại Bảo tàng Quang Trung, chị Giáp Thị Thu, quê ở Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi lấy chồng ở Quy Nhơn. Năm nào, tôi cũng về Bình Định đón Tết, du xuân trẩy hội Chợ Gò, tham quan Bảo tàng Quang Trung… Tôi thấy ở Bình Định có rất nhiều nét văn hóa rất độc đáo, như hội bài chòi dân gian, vừa mang tính nghệ thuật, vừa tái hiện nét văn hóa xưa khiến ai cũng thấy thú vị khi tham gia”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây