Nhân Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14.11): Dinh dưỡng hợp lý, luyện tập điều độ

Thứ hai - 14/11/2022 07:28
Nhân Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14.11): Dinh dưỡng hợp lý, luyện tập điều độ
Ðái tháo đường là một bệnh nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan và biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, đái tháo đường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng nên khó phát hiện, điều trị sớm. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tầm soát và chủ động phòng ngừa hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
Cùng với sự phát triển của KT-XH, mô hình bệnh tật tại Việt Nam cũng có sự biến đổi. Các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng giảm thì các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch... lại tăng cao. Theo kết quả điều tra năm 2012, tỷ lệ người mắc đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, đến nay là 7,3% dân số. Vì không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng nên đái tháo đường được ví như “sát thủ giấu mặt”.
Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, thăm khám và dùng thuốc đều đặn nên dù mắc đái tháo đường hơn 10 năm nhưng bà P.T.T.Y (61 tuổi, ở TX An Nhơn) vẫn duy trì được thể trạng ổn định.  Ảnh: Đ. THẢO
Tại Bình Định, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ mắc đái tháo đường hiện đang tương đương với tỷ lệ cả nước. Theo ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để nắm chắc diễn tiến bệnh đái tháo đường, Trung tâm tiếp tục thực hiện nhiều cuộc khám sàng lọc, từ đó phát hiện được người mắc đái tháo đường để tư vấn, hướng dẫn và điều trị phù hợp.
Theo Kế hoạch phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 - 2025, do UBND tỉnh ban hành, đến năm 2025 có ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường. Cùng với đó là 50% người mắc đái tháo đường được phát hiện sớm và 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 30% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Tại Phòng khám của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hằng ngày hầu như đều có bệnh nhân đái tháo đường đến thăm khám. Mắc đái tháo đường hơn 10 năm, bà P.T.T.Y. (61 tuổi, ở TX An Nhơn), chia sẻ: Tôi theo lời bác sĩ dặn, không nên kiêng khem quá mà phải cung cấp đủ dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều tinh bột để cơ thể khỏe mạnh, uống sữa dành cho người đáo tháo đường. Cùng với đó là tập luyện thể dục thể thao. Sáng dậy, sau 1 đêm dài cơ thể sẽ hơi yếu. Sau khi vệ sinh cá nhân, tôi uống một ít mật ong và nước là khỏe lại và có thể tập thể dục. Điều quan trọng nữa là giữ cho tinh thần thoải mái, suy nghĩ thật tích cực. Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, thăm khám và dùng thuốc đều đặn, tôi sống chung với bệnh hơn 10 năm nay với thể trạng ổn định.
Bác sĩ Phạm Văn Bảo, Trưởng Phòng khám (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), khuyên: Tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, vì đời sống ngày càng khá lên, ăn uống thừa năng lượng nhưng lại ít vận động. Hơn nữa, là do hoạt động tĩnh tại như làm việc với máy tính, văn phòng, trẻ em thì chơi game, ít hoạt động, béo phì. Vì vậy, để phòng bệnh ta nên năng vận động và sống tích cực.
“Có nhiều quan niệm sai lầm, khi mắc đái tháo đường mới tá hỏa và ăn kiêng quá mức. Điều này thật sự không tốt, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Nên ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày để nuôi cơ thể hoạt động. Nếu ăn quá ít thì không đủ dinh dưỡng, làm cơ thể suy kiệt, khiến bệnh đái tháo đường nặng thêm. Khi bị mắc đái tháo đường nên ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả, trái cây; tránh đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều tinh bột, thức uống nhiều đường; luyện tập điều độ, duy trì cân nặng ổn định; thăm khám đều đặn theo hướng dẫn”, bác sĩ Bảo tư vấn.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch phòng, chống các bệnh không lây nhiễm đến năm 2025, trong đó có bệnh đái tháo đường. Cùng với đó, 100% TTYT huyện triển khai khám, chẩn đoán, quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường theo quy định. 95% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh và có ít nhất 3 nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, 2 nhóm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường theo danh mục quy định. 95% số trạm y tế xã thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định.
ÐỖ THẢO
 

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây