Sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe nhân dân

Thứ ba - 18/10/2022 09:28

Sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe nhân dân

Thời tiết đã bước vào mùa mưa, cùng với công tác chuẩn bị ứng phó với bão lũ của các địa phương, ngành Y tế đã lên phương án để hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Chuẩn bị trước mùa mưa
Là đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong mùa mưa bão, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lên phương án sẵn sàng trước mùa mưa. Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trước khi mùa mưa bão đến, các cơ sở y tế đều chủ động chuẩn bị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả sau bão, lũ như xử lý môi trường, nước uống, khám phát hiện các bệnh thường gặp. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực ban, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra.
Sau bão, lũ, ngành Y tế tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt.
- Trong ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với TTYT huyện Tây Sơn khám sức khỏe cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại huyện Tây Sơn (ảnh chụp năm 2021).  Ảnh: Đ. THẢO      
Là địa phương có địa bàn rộng và giáp biển, TX Hoài Nhơn được xác định có diện tích bị ảnh hưởng lớn nếu có thiên tai xảy ra. Về công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả sau thiên tai, ông Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn, cho biết: Hằng năm, Bình Định nói chung và TX Hoài Nhơn nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt, do vậy, chúng tôi đã lên phương án ứng phó với thiên tai từ sớm. Đồng thời, sau khi có thông tin bão, lũ xảy ra, chúng tôi sẽ khẩn trương rà soát, chuẩn bị lại lần nữa, phân công lực lượng trực, phân phát thuốc men cần thiết cho các trạm y tế, chỉ đạo các trạm y tế bảo quản trang thiết bị, chằng chống giữ gìn cơ sở vật chất...
Huyện Tuy Phước là một trong những địa phương dễ bị ngập lụt và ngập sâu với thời gian dài do ở cuối dòng sông Côn, tiếp giáp với đầm Thị Nại. Theo ông Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, trước khi có thiên tai, TTYT huyện sẽ phân công cán bộ đứng chân, phụ trách theo dõi tình hình bão lụt ở các địa bàn được phân công phụ trách. Kịp thời báo cáo tình hình cho Ban chỉ đạo để tổ chức ứng phó. Ban chỉ đạo trực tiếp kiểm tra, theo dõi sát tình hình bão lụt ở địa phương, xử lý kịp thời những tình huống do lũ lụt gây ra; cử các Đội cơ động xuống các địa bàn trọng điểm để giải quyết và xử lý tình huống tại chỗ, xem xét nhu cầu và bổ sung thêm các cơ số hóa chất, thuốc men. Đồng thời, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong những ngày mưa lũ để thu thập thông tin, báo cáo kịp thời tình hình diễn biến hằng ngày nhằm có chỉ đạo kịp thời. Huy động mọi nguồn lực cứu nạn, cứu hộ người dân gặp nạn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Điều động các đội cơ động phòng, chống lụt bão đến tại các địa bàn trọng yếu để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong bão lụt, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh ở những thôn/xóm/khu vực bị chia cắt hoàn toàn. Tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn về công tác xử lý dịch bệnh, xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo ATTP trong vùng ngập lụt.
Xử lý sau khi thiên tai xảy ra
Sau khi xảy ra bão lụt, ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành địa phương triển khai ngay các biện pháp xử lý, thanh khiết môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, không để phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế đến cơ sở, giám sát tình hình, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt; giám sát việc xử lý môi trường, thau rửa giếng nước và các bể chứa, chum vại, bảo đảm đủ nước sạch sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa dịch, bệnh.
Ông Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Trước khi có bão, lũ xảy ra, TTYT cấp một số thuốc men cần thiết cho các trạm y tế để phục vụ người dân. Sau thiên tai, ngành Y tế tiếp tục tổ chức kiểm tra thanh khiết môi trường và loại trừ các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch thường xảy ra trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Văn Kỳ, sau khi bão, lụt xảy ra, TTYT sẽ cử cán bộ thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh như tiêu chảy, hội chứng lỵ, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, dị ứng ngoài da… tại các địa phương trong các đợt mưa, lũ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và thiệt hại do mưa lũ để báo cáo kịp thời cho Sở Y tế. Chủ động giám sát tình hình động vật, côn trùng trung gian truyền bệnh; đặc biệt, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, kịp thời phát hiện sự xuất hiện của dịch bệnh trên địa bàn.
ÐỖ THẢO   
 

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây