Số ca sốt xuất huyết tăng đột biến: Mỗi người nên ý thức tự phòng dịch
Thứ hai - 28/11/2022 07:37
Tính đến ngày 23.11, toàn tỉnh có 5.402 ca mắc sốt xuất huyết. Những ngày gần đây, số lượng ca mắc sốt xuất huyết đã tăng đột ngột. Trước diễn biến này, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Phòng dịch là cách tốt nhất để bảo vệ gia đình và người thân.
Sáng 27.11, khi tôi đến, Phòng Hồi sức cấp cứu Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) đông kín bệnh nhân, nhiều giường phải bố trí 2 trẻ nằm chung và đa số là bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). Do có nhiều cháu ở trong ngưỡng nguy hiểm, các bác sĩ phải theo dõi sát từng trẻ để xử lý kịp thời.
Các ca sốt xuất huyết nặng tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO
Chị N.T.M.D (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), có con nhập viện điều trị SXH tại đây chia sẻ: Con tôi sốt 2 ngày, dù không sốt cao nhưng tôi thấy lo lắng vì dây dưa, không giảm nên đưa đến bệnh viện ngay. Đến viện thì cháu chuyển nặng, được các bác sĩ chăm sóc, cứu chữa kịp thời nay cháu đã ổn. Tôi không ngờ SXH có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề như vậy. Chị N.T.T, mẹ của một bệnh nhân 11 tuổi, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, cho biết: Cháu sốt không cao nhưng vì thấy có dấu hiệu bất thường, chóng mặt nên sau vài ngày phát bệnh tôi đưa cháu nhập viện. Bác sĩ nói cháu đã có dấu hiệu tiền sốc. May nhờ được can thiệp tích cực, tận tình nên nay cháu đã tạm ổn. Chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh là 100 giường, nhưng số thực kê bình quân nhiều ngày qua là 145, một số thời điểm còn lên đến khoảng 250 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 60 ca SXH, trong đó tỷ lệ nặng 30 - 40% là các trường hợp SXH Dengue nặng, sốc, tổn thương gan… Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết: Bệnh nhân SXH là trẻ em tăng đột biến với nhiều ca nặng nên cơ sở điều trị của chúng tôi bị quá tải, phải kê thêm giường xếp, một số cháu nằm chung giường; Bệnh viện điều 2 điều dưỡng ở Khoa Nhi sơ sinh qua hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi động viên nhau cố gắng vì hiện giờ cơ sở điều trị nào cũng đông bệnh nhân. Huyện Tây Sơn hiện là địa phương có nhiều ca mắc SXH cao nhất tỉnh với 1.083 ca. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, huyện Tây Sơn tổ chức phát động Tháng chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy và truyền thông phòng, chống SXH từ ngày 15.11 - 15.12.
Tây Sơn tổ chức tháng phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy và truyền thông phòng, chống SXH từ ngày 15.11 - 15.12. Ảnh: Đ. THẢO
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, chia sẻ: Vừa rồi, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca SXH của Tây Sơn tăng rất cao và nhanh. UBND huyện cũng đã làm việc với Phòng Y tế và TTYT về vấn đề này. Sau đó, chúng tôi tổ chức lễ phát động phòng, chống SXH để các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia. Chúng tôi làm điểm tại 1 xã có số ca mắc cao nhất, sau đó các địa phương khác sẽ làm hàng loạt và báo cáo hằng tuần. Qua hơn một tuần thực hiện, số ca mắc SXH có giảm hơn so với trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng trong thời gian tới. Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động phòng chống dịch, đặc biệt là tại trường học được các địa phương quan tâm. Ông Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho hay: Tuy Phước cũng đã xuất hiện hơn 20 ổ dịch. Huyện triển khai vệ sinh môi trường vào chiều thứ Sáu hằng tuần, lồng ghép công tác diệt bọ gậy. Không chỉ tại buổi tuyên truyền phòng chống SXH, tại các buổi tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh ở các trường, chúng tôi đều dành thời gian tuyên truyền về SXH. Theo báo cáo của ngành y tế, chu kỳ dịch lần này do các tuyp dengue 1, dengue 2 và dengue 3 gây ra, trong đó tuyp dengue 2 phổ biến hơn, đây là tuyp nặng. Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng cho biết: Lượng bệnh nhân nặng rất nhiều, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, SXH là bệnh có thể phòng ngừa được và không quá khó để thực hiện. Do vậy, cùng với ngành y tế, chính quyền và các đoàn thể cũng nên chủ động, tích cực vào cuộc phòng dịch. Cụ thể là phát quang những nơi có thể làm chỗ tồn cư cho muỗi, diệt lăng quăng, hướng dẫn tránh muỗi đốt; khi có biểu hiện sốt cao phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được kiểm tra. Chúng ta nên tuyên truyền mạnh hơn nữa để bản thân mỗi người tự có ý thức phòng dịch. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Theo chu kỳ 4 - 5 năm, SXH sẽ diễn biến nặng một lần. Dự báo được diễn biến này nên chúng tôi đã có kịch bản sẵn. Theo đó, các cơ sở y tế cũng như các địa phương căn cứ vào đó tập trung phòng dịch và điều trị. Tại các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao, công tác khống chế kiểm soát cũng khá tốt.
Đỗ Thảo