Phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành: Nâng cao hiệu quả can thiệp, phục hồi chức năng

Thứ hai - 19/12/2022 14:10

Phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành: Nâng cao hiệu quả can thiệp, phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành là một nội dung quan trọng của chương trình phục hồi chức năng. Thí điểm cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo nhóm đa ngành trong chẩn đoán và can thiệp ở một số cơ sở y tế trong tỉnh, giúp đẩy mạnh chất lượng công tác phục hồi chức năng và là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) được thực hiện trên cơ sở tiếp cận đa ngành với các nhóm chuyên gia là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và các nhóm y tế khác làm việc chặt chẽ cùng với nhau sẽ cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc, phục hồi toàn diện, đạt hiệu quả cao. Làm việc nhóm là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo người bệnh được chăm sóc toàn diện, liên tục, an toàn và tối ưu.
Kỹ thuật viên hướng dẫn cho bệnh nhân cách thức luyện tập PHCN tại Bệnh viện YHCT&PHCN Bình Định. Ảnh: Đ. THẢO
Trước năm 2015, hoạt động PHCN tại tỉnh Bình Định rất hạn chế. Đến nay, do nhiều lý do chủ quan và khách quan, các cơ sở PHCN chủ yếu vẫn đang thực hành theo hướng cũ là vật lý trị liệu. Cán bộ PHCN bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, liền mạch trong quá trình khám lượng giá (là hoạt động nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của bệnh lý, khiếm khuyết lên các chức năng của người bệnh, chủ yếu là các chức năng vận động và thần kinh cao cấp), thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch can thiệp, theo dõi và đánh giá người bệnh theo hướng đa ngành, đặc biệt quá trình đó ít có sự tham gia của người bệnh và gia đình.
Theo bác sĩ Võ Ngọc Phải, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (YHCT&PHCN) Bình Định, từ năm 2017, với sự hỗ trợ của một số dự án, nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại các chuyên ngành như: Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, công nghệ trợ giúp. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PHCN tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu thế phát triển của PHCN, phù hợp với những quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế cũng xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hướng dẫn này nhằm giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh áp dụng vào việc vận hành đơn vị PHCN theo nhóm đa ngành, đặt nền móng cho việc triển khai phối hợp nhóm đa ngành trong lĩnh vực PHCN tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp dịch vụ toàn diện, liên tục, an toàn và chất lượng.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, từ ngày 28.10.2022, một số cơ sở y tế trong tỉnh thí điểm cung cấp dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành. Hoạt động được triển khai với sự trợ giúp của tổ chức The International Center (IC) trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án hòa nhập II đang triển khai tại Bình Định. Cụ thể, Bệnh viện YHCT&PHCN Bình Định điều trị thí điểm cho 43 bệnh nhân, TTYT huyện Tây Sơn - 30 bệnh nhân, TTYT TX An Nhơn và TTYT huyện Phù Cát mỗi đơn vị thí điểm 10 bệnh nhân. Kết quả ban đầu, 103 bệnh nhân được thí điểm có sự cải thiện rõ rệt về chức năng vận động, đi lại, giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày... so với lúc mới nhập viện.
Là một trong 103 bệnh nhân được điều trị thí điểm, anh N.T.K (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn), cho biết: Tôi bị tai nạn lao động nên chấn thương cột sống. Hôm trước ở nhà chân tôi yếu lắm, vô điều trị, phục hồi ở đây thì đỡ hơn. Tôi có thêm hy vọng dù các bác sĩ bảo rằng bệnh này cần có nhiều thời gian để phục hồi. Tôi sẽ kiên trì thực hiện các chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, người bệnh và gia đình là những thành viên đóng vai trò trung tâm của nhóm PHCN đa ngành. Bác sĩ Võ Ngọc Phải cho biết: Một điểm quan trọng của dịch vụ PHCN theo nhóm đa ngành là lấy người bệnh/gia đình làm trung tâm, giúp cho người bệnh và gia đình có cơ hội đưa ra những yêu cầu, mong muốn của mình, được cung cấp đầy đủ thông tin về các phương pháp can thiệp đã được khuyến nghị. Các mục tiêu can thiệp dễ dàng đạt được hơn nếu người bệnh tham gia tích cực vào quá trình can thiệp; những nhu cầu, mong muốn đạt được của họ được quan tâm, xây dựng mối quan hệ với người bệnh, gia đình là những thành viên có giá trị của nhóm PHCN đa ngành. Bên cạnh đó, hiện nay hội chẩn nhóm được thực hiện trên từng bệnh nhân để đánh giá hiệu quả can thiệp và điều chỉnh hướng can thiệp, điều trị phù hợp, hiệu quả hơn.
ĐỖ THẢO
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây