Cẩn trọng với bẫy vay tiền qua các ứng dụng

Thứ bảy - 30/10/2021 19:42
Dù ngành chức năng đã có nhiều khuyến cáo đối với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhưng với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản và nhận tiền ngay, không ít người vẫn sa chân mà không dự lường được hậu quả.
Chỉ cần gõ lên mạng các từ “vay tiền nhanh”, lập tức có rất nhiều địa chỉ mời chào, và người vay sẽ phải chịu thêm nhiều “khoản phí vô lý”.
Chỉ cần gõ lên mạng các từ “vay tiền nhanh”, lập tức có rất nhiều địa chỉ mời chào, và người vay sẽ phải chịu thêm nhiều “khoản phí vô lý”.

Bỗng dưng thêm... nợ

Hiện nay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” không chỉ in pano, dán tờ rơi tại những vị trí công cộng dễ quan sát mà còn sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trên điện thoại di động (app cho vay) để tiếp cận người vay. Người vay chỉ cần cung cấp ảnh, CMND/CCCD, giấy phép lái xe hoặc sổ hộ khẩu và trong vòng 15 - 30 phút sau sẽ được nhận tiền ngay. Tuy nhiên, việc dễ dãi trong vay mượn tiền từ các ứng dụng này đã khiến nhiều người phải trả giá đắt vì phải trả lãi suất cao, trở thành con nợ, thậm chí bị đe dọa.


Chỉ cần gõ lên mạng các từ “vay tiền nhanh”, lập tức có rất nhiều địa chỉ mời chào, và người vay sẽ phải chịu thêm nhiều “khoản phí vô lý”.

Chị T.T.V. (42 tuổi, TP Quy Nhơn) kể: Trong lúc đang cần tiền kinh doanh mà chưa biết xoay xở ra sao thì chị nhận được điện thoại của một người tự xưng từ công ty tài chính, nói sẽ cho vay 50 triệu đồng, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp. Như “chết đuối vớ được phao”, chị V. đã đồng ý làm các thủ tục vay tiền theo yêu cầu, mà không để ý cách tính lãi suất khi vay. Khi hoàn tất thủ tục vay, chưa được nhận tiền nhưng chị V. lại nhận được thông báo phải chuyển trước cho phía cho vay 5 triệu đồng. Chị V. từ chối không vay nữa. Ngay lập tức, phía cho vay dọa chị phải trả 5 triệu đồng phí làm hồ sơ, nếu không sẽ trừ tiền trong tài khoản cho vay của chị hoặc gọi điện cho người thân; đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của chị V. lên mạng xã hội. Lo sợ nên chị V. đồng ý vay 50 triệu đồng và trả lãi theo ngày. “Ngày nào không kịp đóng tiền là chúng liên tục gọi điện cho người thân của tôi để đòi nợ. Do đó, tôi phải vay mượn từ các nơi khác trả lãi và gốc cho những đối tượng này cả trăm triệu đồng trong thời gian ngắn”, chị V. cho biết.

Kịp cảnh giác với việc vay tiền nhanh qua các áp ứng dụng, song anh H.A.B. (TX An Nhơn) cũng gặp không ít phiền toái từ việc này. Cụ thể, đang lúc cần tiền lại nhận được ứng dụng vay tiền nhanh với thủ tục đơn giản và người hướng dẫn rất tận tình giải thích, song khi được yêu cầu phải đóng thêm 10% phí để hoàn tất thủ tục vay, anh B. đổi ý không vay nữa. “Vì những điều khoản đặt ra rất vô lý, nghĩ tới việc lừa đảo nên tôi hủy giao dịch. Nhưng liên tục sau đó, nhiều số điện thoại lạ đã nhắn tin, gọi điện đe dọa tôi và những người thân của tôi…”, anh B nói.

Được biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng đã tiếp nhận và giải quyết hàng chục vụ việc nạn nhân vay tiền qua các ứng dụng; cơ quan chức năng cũng đã khởi tố và điều tra một số bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn.

Luật đã quy định rõ

Luật đã quy định rất rõ về mức lãi suất vay. Theo đó, tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Vì vậy, trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này thì khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của ứng dụng và phần lãi suất tối đa là 20%. Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 -100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

Có thể thấy, tình trạng hoạt động tín dụng đen dù bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong kế hoạch đảm bảo ANTT địa bàn, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội chung, CA toàn tỉnh chủ động phương án để nhanh chóng điều tra làm rõ các hành vi liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Hoạt động vay tiền online qua các ứng dụng cho vay để chi tiêu và kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để chủ động, ngành sẽ tiếp tục tập trung đấu tranh triệt xóa bằng được các băng nhóm tội phạm, nhất là các băng nhóm hoạt động đâm thuê, chém mướn, bảo kê, hoạt động liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê…”.

Không chỉ vậy, bên cạnh sự chủ động của ngành chức năng, mỗi người dân trước khi thực hiện vay mượn phải tìm hiểu rõ, tránh trường hợp bị các đối tượng lừa đảo. Trường hợp bị đe dọa hoặc đánh đập, khủng bố tinh thần thì người vay cần trình báo cơ quan chức năng giải quyết, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tác giả bài viết: KIỀU ANH

Nguồn tin: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây