Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra theo đúng kế hoạch. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thông qua báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập Đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022), phương hướng nhiệm vụ, nhiệm kỳ Đại hội XI (2022-2027); quyết định tiếp tục thực hiện Điều lệ Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam (Khóa X).
Bà Bùi Thị Hòa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam khóa XIĐại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI gồm 111 vị. Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI tại kỳ họp thứ nhất đã bầu 30 Ủy viên Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Kiểm tra gồm 9 người. Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội khóa X được bầu giữ chức Chủ tịch Hội khóa XI.
Tại đại hội, sau khi được suy tôn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam khóa XIĐại hội suy tôn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam khóa XI.
Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập Đỏ nhiệm kỳ vừa qua. “Các phong trào, cuộc vận động của Hội cơ bản đạt hiệu quả cao, lan tỏa các giá trị nhân đạo, tạo dấu ấn ngày càng sâu đậm trong đời sống xã hội, trở thành phong trào của nhân dân, được nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân sôi nổi hưởng ứng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bằng những hành động thiết thực, thấm đậm tình người, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Chữ thập Đỏ đã kết nối hàng vạn tấm lòng thiện nguyện, nhân lên hàng triệu hành động nhân ái, tô thắm nét đẹp nhân văn của xã hội, chế độ xã hội chủ nghĩa. Minh chứng là tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt trên 23.000 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX). Số liệu này còn góp phần khẳng định vị thế của Hội Chữ thập Đỏ là tổ chức xã hội giữ vai trò nòng cốt, đầu mối, kết nối trong hoạt động nhân đạo của quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cùng những kết quả đạt được trong hoạt động nhân đạo của đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập Đỏ cả nước; đồng thời cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các tổ chức thuộc Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã ủng hộ nguồn lực, chung tay cùng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo thời gian qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Đại hộiTuy nhiên, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng nặng nề và khó lường, dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Cùng với đó là hàng triệu nạn nhân của chiến tranh, chất độc da cam; hàng triệu người dễ bị tổn thương trước những nguy cơ, thách thức… Hội Chữ thập đỏ cần tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ nhân đạo trong tình hình mới. “Tôi đề nghị các cấp Hội trong cả nước thống nhất ý chí và hành động, vươn lên thực hiện đầy đủ và hiệu quả vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện của đất nước, trong đó tập trung vào thảo luận kỹ về những hạn chế của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, ví dụ như những bất cập trong công tác quản lý nhân đạo, từ thiện; công tác tổ chức quản lý hội viên, tình nguyện viên,vv..., để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và phương án khắc phục”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam lần thứ XI trong buổi sáng 30/8Lắng nghe chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội khóa XI bày tỏ sự tin tưởng, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác từ thiện nhân đạo. Bà Hòa chia sẻ Đại hội XI là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các định hướng lớn, gồm:
Hai khâu đột phá: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.
Một phong trào lớn - "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" và Một cuộc vận động lớn - "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo".
Hai chương trình trọng điểm: Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố…
Hai đề án: “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng” và Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào cộng đồng”.
Cũng tại sự kiện quan trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà Bùi Thị Hòa kêu gọi các đại biểu cùng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ cả nước đoàn kết, đồng lòng, lan tỏa hành động nhân ái, tập trung thực hiện ngay một số việc như: Khẩn trương tuyên truyền về kết quả Đại hội lần thứ XI; Sớm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; Củng cố tổ chức Hội, giao nhiệm vụ để các cấp Hội phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội làm nòng cốt trong công tác nhân đạo, đảm bảo các điều kiện để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nguồn tin: vov2.vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn