Trong bút ký “Sen của loài người”, nhà thơ Chế Lan Viên đã xúc động và trân trọng viết về Bác Hồ: “Người ra đi từ con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc. Trải qua bốn bể năm châu ôm trùm vào mình tất cả các tri thức đông, tây, kim, cổ để rồi trở lại, nhìn lại con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc với một tầm mắt đại dương, tức là nhìn xa trông rộng”.
Cách đây 112 năm, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành với sức trẻ và nhiệt huyết rời Tổ quốc để đi tìm lại hình cho Tổ quốc. Trong hành trình vạn dặm ấy, quê hương, đất nước, con người Việt Nam luôn trong tim, luôn là nỗi nhớ, là động lực để Người vượt qua bao khó khăn, gian khổ nhằm tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Quê hương - Tổ quốc - Dân tộc… luôn có vị trí quan trọng trong tim mỗi người. Ai cũng có quê hương, ai cũng có tổ quốc, dân tộc để sống, để yêu thương, để gìn giữ. Tổ quốc Việt Nam của Hồ Chí Minh những năm tháng ấy đang rên xiết dưới gót giày của thực dân xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhiều phong trào yêu nước khác nhau nổ ra, sau đó đều thất bại, đất nước vẫn bị nô lệ, nhân dân vẫn bị lầm than. Bối cảnh ấy càng hun đúc, bồi đắp lòng yêu nước ở Hồ Chí Minh; chủ nghĩa yêu nước là yếu tố đầu tiên để Người có động lực ra đi tìm đường cứu nước.
Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh: tuyengiao.vn |
Và rồi, Người gặp được ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, làm sáng lên con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”, và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đó, lòng yêu nước chân chính của Hồ Chí Minh càng được thể hiện rõ và góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Người.
Tìm ra con đường cứu nước cho nhân dân Việt Nam, Người xúc tiến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 2.1930. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Đầu năm 1941, sau 30 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bác Hồ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công trên cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ đã ra đời ở Đông Nam Á.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người mong muốn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong muốn của Người đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiện thực hóa, như khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: “…Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới... đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến người chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là cả một quá trình không mệt mỏi đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Chính từ những đóng góp to lớn đó, nhân loại đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất - hai vĩ nhân trong một con người.
TS Modagat Ahmed, nguyên Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng, để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
NGUYỄN TÙNG LÂM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn