1. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và ban hành Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc của Trung ương, các liên khu, tỉnh, huyện và xã. Lời Kêu gọi của Bác ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể, nêu rõ mục tiêu và các công việc phải làm đối với các tầng lớp Nhân dân vào những năm đầu toàn quốc kháng chiến, mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Mục đích thi đua ái quốc là gì? Và Người trả lời:
“Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Ba “nạn” nêu trên, theo Người đều là “giặc” nguy hiểm, phải “diệt”. Chỉ ngắn gọn trong 10 từ nêu trên nhưng Bác đã nêu lên nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện mục đích các phong trào thi đua và chỉ rất rõ thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ là, diệt giặc đói trước (để cứu sống dân), đến diệt giặc dốt (để có tri thức cho dân), và giết ngoại xâm, nhất là thực dân Pháp. Người cho rằng: Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, phải dựa vào tài dân, sức dân để làm lợi cho dân. Cách thức của phong trào thi đua là khơi dậy lòng yêu nước của mọi người dân, thực hiện các công việc cụ thể ích quốc, lợi dân; nên phải dựa vào:
“Lực lượng của dân. Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời “Hịch” đã hiệu triệu và tạo ra một phong trào thi đua quần chúng rộng lớn:“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Và cũng từ đó, trong các bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần I, II, III, IV và trong hơn 30 bài nói và thư của Bác gửi các hội nghị thi đua yêu nước của các ngành, các giới, các lực lượng, các địa phương từ năm 1951 đến 1968 đều nối tiếp thể hiện tinh thần thi đua ái quốc của Người. Nhiều phong trào thi đua trong hai cuộc kháng chiến đã hình thành và phát triển rộng khắp, làm động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nhiều khẩu hiệu thi đua hình thành và còn giá trị thực tiễn sâu sắc đến mãi ngày nay, như:“Người người thi đua, ngành ngành thi đua”,“Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước”,“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua… Các phong trào thi đua, như: “Tuần lễ vàng”,“Bình dân học vụ” đến“Cờ Ba nhất” trong quân đội;“Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục;“Ba sẵn sàng”,“Năm xung phong” trong thanh niên…Đặc biệt trong sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều phong trào trong cả nước đã phát động, thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,“Tuổi trẻ sáng tạo”,“Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,“Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Lời kêu gọi ái quốc của Bác ngày ấy đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt; không ngại gian khổ, mất mát, vượt qua mọi hy sinh, dũng cảm ngoan cường chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, giành thắng lợi. Nó đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Cùng với cả nước, từ sau cách mạng tháng 8.1945, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Bình Định nêu cao khẩu hiệu "Nhà nhà thi đua, người người thi đua", quân và dân trong tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chiến đấu bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu cứ kháng chiến. Với phong trào thi đua “Diệt giặc đói”, quân và dân Bình Định quyết tâm thực hiện“Vùng tự do tiến tới tự túc về ăn, mặc và học”, tăng vụ sản xuất, tích cực triển khai phong trào Bình dân học vụ, góp phần xóa mù chữ cho gần 129 ngàn học viên, ngoài ra còn mở lớp “bổ túc bình dân” để củng cố trình độ cho học viên qua “sơ cấp bình dân”. Trong phong trào “diệt giặc ngoại xâm”, Bình Định phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường làng, ngõ xóm là trận địa diệt thù với phong trào“luyện quân lập công”... Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng thôn, xã chiến đấu; kiên quyết tiến công địch bằng 3 mũi giáp công tại chỗ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã giải phóng các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão, tạo đà giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31.3.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
|
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962) Ảnh: TL |
Từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng ở Bình Định có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước khen thưởng đã có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập. Phong trào thi đua yêu nước đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
3. Kinh nghiệm thực tiễn phong trào thi đua ái quốc 75 năm qua đã khẳng định thi đua ái quốc là nhiệm vụ tất yếu, là công việc của tất cả mọi người và phải tiến hành thường xuyên và liên tục. Thắng lợi của phong trào thi đua phụ thuộc khá nhiều vào kế hoạch, biện pháp và quyết tâm tổ chức thực hiện. Bác đã chỉ dẫn“Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm với tinh thần làm chủ tập thể, hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.
|
Các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Từ những ngày đầu đến thực tiễn của hai cuộc kháng chiến trường kỳ và đến công cuộc đổi mới hiện nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc, nó ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và luôn được Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước đã và đang phát triển rộng khắp, hướng đến cơ sở, từng đối tượng; tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động các tổ chức, cá nhân, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu miền Trung.
NGUYỄN HUỲNH HUYỆN