Nối liền những nhịp thương yêu

Thứ ba - 16/07/2024 14:04

Nối liền những nhịp thương yêu

15 năm gắn bó với công tác nhân đạo, trợ giúp xã hội, bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội CTÐ huyện Hoài Ân, vẫn tâm niệm mình sinh ra để làm công việc này. Bên cạnh các hoạt động trợ giúp mang tính tức thì, bà đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết “tận gốc” những khó khăn của người dân.
Đa dạng hoạt động trợ giúp
Gắn bó với công tác thiện nguyện, thực hiện tốt vai trò bắt nhịp cầu nối liền yêu thương, bà Ngô Thị Kim Anh đã kết nối những tấm lòng nhân ái và những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Từ đó, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Gần đây nhất, có thể kể đến các lớp dạy bơi miễn phí mùa hè, chương trình tặng sữa cho trẻ em nghèo, hoạt động phát cơm miễn phí tại bếp ăn tình thương TTYT huyện Hoài Ân, đặc biệt là chương trình sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí của Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP Hồ Chí Minh...
 
Bà Ngô Thị Kim Anh có 15 năm gắn bó với công tác Hội CTĐ. Ảnh: T.K
● Để đưa các nhà hảo tâm đến với quê hương, bà và những người làm công tác Hội CTĐ phải nỗ lực rất nhiều…
- Đúng vậy. Các nhà hảo tâm đến với người khó khăn đều rất vô tư. Thế nhưng, để có thể “lôi kéo” thêm nhiều nhà hảo tâm, những người làm công tác xã hội ở địa phương như chúng tôi phải hỗ trợ hết mức có thể. Ví dụ, lúc đoàn bác sĩ của Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP Hồ Chí Minh chuẩn bị đến khám sàng lọc cho các em nhỏ ở Hoài Ân, sau khi nhận được lời ngỏ của bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên chi hội, tôi khẳng định sẽ hỗ trợ hết mình trong khâu giấy tờ, thủ tục. Sau khi hoàn tất tất cả hồ sơ, đoàn đến khám, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức các điểm khám chu đáo.
Sau khi tầm soát và phát hiện các cháu mắc bệnh cần can thiệp, tôi tiếp tục vận động gia đình đưa các cháu vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Tôi tìm xe đưa đón miễn phí; rồi thành lập nhóm phụ huynh, cử nhóm trưởng để nắm đầu mối liên lạc với các bác sĩ. Tôi nghĩ làm như vậy phía các bác sĩ trong TP Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn thời gian tiếp đón nhiều lần. Vừa rồi, 8 em nhỏ vào điều trị cùng lúc đã trở về, sức khỏe ổn định.
● Bên cạnh trợ giúp cho các trường hợp bệnh tật, Hội CTĐ huyện Hoài Ân rất chú trọng hoạt động trao sinh kế cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Trước khi trao sinh kế cho gia đình nào đó, chúng tôi sẽ xác minh trước để trao đúng người thật sự cần và chịu bỏ công chăm sóc. Khả năng của chúng tôi có hạn, nhưng thật lòng mong muốn giúp được càng nhiều người càng tốt. Thay vì trao những túi gạo, thùng mì họ sẽ hết căng thẳng lúc đó nhưng nguồn gốc khó khăn vẫn còn, vì thế cùng với hoạt động ngắn hạn chúng tôi còn tập trung trao sinh kế bền vững.
 
Bà Ngô Thị Kim Anh trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình Tết Nhân ái - Xuân Giáp Thìn năm 2024 tổ chức tại xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn). Ảnh: T.K
Thường thì mỗi suất gạo và một số nhu yếu phẩm có trị giá tầm 500 nghìn - 1 triệu đồng. Với số tiền đó, chúng tôi có thể trao 60 con gà con. Nếu chăm sóc tốt họ sẽ thu được trứng và có thể tiếp tục tái đàn. Tương tự, 500 nghìn đồng có thể mua được 2 hộp tằm, nuôi thành công khi bán có thể thu được 6 - 7 triệu đồng. Các hộ dân được nhận sinh kế đều rất phấn khởi và chăm sóc, giữ gìn rất tốt.
● Trước khi quyết định trao con gì cho hộ nào, hẳn bà có tính toán trước?
- Đương nhiên không thể cào bằng, hộ nào cũng giống nhau. Hộp tằm thì phải trao ở vùng có truyền thống trồng dâu nuôi tằm, nhà có sẵn một số vật dụng và dâu để nuôi tằm. Nhà ai có chuồng sẵn chúng tôi sẽ trao heo. Nhà ai có vườn, có khoảnh đất thích hợp nuôi thả mới trao gà.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tính toán đến tình hình dịch bệnh và chọn con giống khỏe mạnh nhất có thể. Nếu mùa nào, con vật nào dễ bị nhiễm bệnh thì chúng tôi sẽ cân nhắc. Nói chung, chúng tôi cố gắng tìm hiểu thật kỹ để hỗ trợ tốt nhất cho bà con.
Trợ lực từ niềm tin và tình yêu
Nhờ ý nghĩa thiết thực của các hoạt động thiện nguyện, trợ giúp xã hội và uy tín của bản thân, bà Kim Anh được các nhà hảo tâm và lãnh đạo huyện Hoài Ân tin tưởng, tạo điều kiện. Hơn thế, bà còn có chỗ dựa vững chắc là gia đình. Do vậy, bà có thể vững tâm miệt mài cống hiến cho yêu thương...
● Theo bà, đâu là yếu tố quan trọng để các hoạt động thiện nguyện tại địa phương triển khai hiệu quả?
- Trong xã hội có rất nhiều người có tâm thiện, họ rất muốn “cho đi” nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Cùng với đó là rất nhiều trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Chúng tôi kết nối họ với nhau, bắt đầu cho những sự sẻ chia, hỗ trợ. Tất nhiên, bản thân mình phải uy tín, làm việc minh bạch thì nhà hảo tâm mới gắn bó lâu dài.
Cùng với đó là sự tin tưởng của lãnh đạo huyện, khi chúng tôi đề xuất hoạt động gì, lãnh đạo huyện đều ủng hộ. 2 yếu tố đó giúp chúng tôi tổ chức được các chương trình, hoạt động thực chất, giúp đỡ cho nhiều người hơn.
Ví như năm 2012 đến nay, năm nào Hội CTĐ huyện cũng vận động được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để tổ chức 1 - 3 lớp bơi miễn phí cho các em nhỏ luân phiên theo từng xã, thị trấn. Cùng với đó, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện cũng tin tưởng đồng hành cùng chúng tôi trên tinh thần thiện nguyện, giúp cho các em nhỏ có được kỹ năng bơi lội cơ bản, nắm được kiến thức phòng chống đuối nước.
● Dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc xã hội như vậy, chắc bà phải có được sự ủng hộ lớn từ gia đình?
- Chồng tôi kinh doanh cây cảnh ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, kinh tế tự chủ và thời gian linh động. Nhờ vậy, tôi thật sự may mắn khi không phải lo cơm áo gạo tiền, có thể tập trung cho công việc của mình. Không chỉ vậy, trong những chuyến đi xa hay phải chuyên chở vật dụng hỗ trợ nhiều, chồng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hai vợ chồng đồng hành như vậy cũng đã nhiều năm.
Tôi chỉ có một con trai đang học năm 3 Trường ĐH Quy Nhơn. Con rất đồng cảm với mẹ và cũng hay giúp đỡ mẹ khi rảnh. Con tôi đang học ngành Marketing, có những lúc tập bán sản phẩm. Số tiền kiếm được con dành dụm tổ chức nấu cơm thiện nguyện ở bếp ăn tình thương TTYT TP Quy Nhơn và tham gia một số hoạt động khác cùng với Hội CTĐ TP Quy Nhơn.
Tôi thật sự cảm ơn gia đình đã thấu hiểu, hỗ trợ, giúp tôi thực hiện tâm nguyện sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn.
● Bà có thể chia sẻ dự định của mình trong thời gian tới?
- Tôi sẽ tiếp tục các hoạt động được duy trì lâu nay, nhất là trao sinh kế cho các hộ dân khó khăn. Trước đây chúng tôi trao bò, năm 2023 bắt đầu trao heo, gà, đã trao được cho 6 hộ. Năm nay, riêng trong Tháng Nhân đạo, chúng tôi đã trao được cho 13 hộ.
Cùng với đó, tôi sẽ quan tâm hơn tới công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt tập trung vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Tôi thấy đây là việc làm ý nghĩa để tiếp tục gieo tâm thiện rộng khắp.
● Xin chân thành cảm ơn bà!
 
Bà Ngô Thị Kim Anh (SN 1976, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) tham gia công tác Hội CTĐ huyện Hoài Ân từ năm 2008. Bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều lần nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2023, bà Ngô Thị Kim Anh là 1 trong 5 cá nhân trong tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 - 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

THẢO KHUY (Thực hiện)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây