Đa dạng sắc màu rồng khắp nơi trong tỉnh

Thứ hai - 12/02/2024 21:21
Tết Giáp Thìn 2024, trong tỉnh có nhiều linh vật nhất. Ngoài 9/11 huyện, thị xã, thành phố, các phường cũng tạo tác linh vật, tạo nên những sắc màu rồng đa dạng, chào đón mùa xuân mới.
Đa dạng sắc màu rồng khắp nơi trong tỉnh
Cũng như mọi năm, cụm linh vật của tỉnh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) vẫn là tâm điểm, nhờ sự đầu tư quy mô, bài bản từ cách thức tạo dựng linh vật đến sắp xếp không gian xung quanh, thu hút nhiều lứa tuổi đến“check in”.

Cụm linh vật tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn). Ảnh: H.THU

Năm nay, cụm linh vật rồng của tỉnh Bình Định gây bất ngờ “phút cuối”. Qua nhiều mạng xã hội Facebook, Tiktok…cho thấy cụm linh vật được cộng đồng mạng đánh giá cao, bởi  ý nghĩa từ sự xuất hiện của tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Từ TP Quy Nhơn, bạn có thể theo tuyến quốc lộ, tỉnh lộ “đi tìm rồng” ở huyện Tuy Phước, TX An Nhơn, huyện Phù Cát; ngược lên vùng trung du, check in rồng tại Hoài Ân hay vượt đại ngàn ngắm rồng An Lão.

Linh vật rồng huyện Tuy Phước tại Quảng trường Xuân Diệu. Ảnh: H.THU

Năm nay, Công ty TNHH Đức Nhân (TP Quy Nhơn) còn thực hiện các cụm linh vật ở Hoài Ân, An Lão và Hoài Nhơn. Đi du xuân ngắm rồng ở các nơi này, có thể thấy ngoài đường nét chung như “rồng Quy Nhơn” cũng có những sự khác biệt, tạo điểm nhấn riêng tại những nơi trưng bày có phong cảnh đẹp, hay địa điểm ý nghĩa.

Cụm linh vật rồng đặt hài hòa tại khu vực hồ nước, công viên nhiều cây xanh ở Hoài Ân tạo nên khung cảnh nên thơ, thu hút nhiều người xem.  Mặc áo dài đến chụp linh vật vào sáng mùng 2 Tết, anh Nguyễn Minh Tý chia sẻ: “Nhà tôi ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, nhưng đã sống và làm việc tại nước Anh hơn 20 năm qua. Vào dịp Tết cổ truyền hằng năm, tôi đều trở về để tận hưởng sự ấm cúng của quê hương. Năm nay, cụm linh vật của huyện rất đẹp, cùng với những công trình thể hiện sự phát triển, nhiều nơi có cảnh đẹp khiến tôi rất hãnh diện về quê hương”.

Anh Nguyễn Minh Tý, một kiều bào đang sống ở nước Anh, chụp hình lưu niệm với linh vật rồng huyện Hoài Ân. Ảnh: H.THU

Cụm linh vật đặt tại khu vực sân trước Tượng đài chiến thắng An Lão cũng thu hút mọi người. Trưa mùng 2 Tết vẫn có nhiều người đến chụp hình cùng gia đình, bạn bè. Chị Đinh Thị Rong, người dân tộc H’re ở xã An Vinh, cho biết: “Lần đầu mình được ngắm tượng rồng sống động như vậy, lại được bạn bè người Kinh cho biết  rồng là con vật linh thiêng trong văn hóa truyền thống…nên chụp nhiều ảnh kỷ niệm”.

Linh vật rồng huyện An Lão. Ảnh: H.THU

Còn cựu chiến binh Nguyễn Hải, ở thị trấn An Lão, chia sẻ: “Tôi thấy linh vật rồng năm nay có ý nghĩa hơn khi đặt tại khu vực Tượng đài chiến thắng An Lão, tạo không khí tươi vui, cầu mong những điều tốt đẹp, đổi thay phát triển huyện nhà hướng đến kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng An Lão (7.12.1964 - 7.12.2024).   

Điểm đáng ghi nhận năm nay không chỉ là linh vật nhiều hơn ở các địa phương trong tỉnh mà còn có sự đa dạng, thể hiện sáng tạo riêng từ việc tham gia tạo tác của các điêu khắc gia, nghệ nhân ở địa phương. Cụm linh vật rồng tại Quảng trường Trung tâm TX An Nhơn do điêu khắc gia Lê Trọng Nghĩa thực hiện. Anh cho biết, nếu không vì An Nhơn là quê nhà thì đã không liều lĩnh “vướng vào” làm linh vật cho ngày Tết, khi anh và học trò có đúng 1 tháng làm nên đôi rồng dài tổng thể 14m, cao hơn 4m.

Linh vật rồng TX An Nhơn do điêu khắc gia Lê Trọng Nghĩa tạo tác. Ảnh: H.THU

“Hãy ngắm rồng trong sự nhẹ nhàng, trong trẻo, tươi sáng gần gũi thân thiện nhưng không kém phần uy mãnh tràn đầy năng lượng. Ngắm rồng trong khí thế cưỡi mây đạp gió để bay cao bay xa. Vừa trữ tình bay bổng vừa sang trọng đầy sức sống là tất cả những gì mình muốn gửi gắm khi thực hiện đôi rồng này", điêu khắc gia Lê Trọng Nghĩa chia sẻ. 

Linh vật rồng huyện Phù Cát cũng có điểm nhấn riêng, nhất là đôi mắt “có thần” nhờ chấm phá thêm những sắc màu xanh, trắng, vàng cuốn hút… Anh Phạm Minh Thọ, ở xã Mỹ Hiệp, cho biết: Tết năm ngoái, tôi bận rộn việc nên không cùng vợ con đi ngắm linh vật. Sáng mùng 2 Tết năm nay, chúng tôi về thăm quê nội ở huyện Phù Cát, rồi đến ngắm linh vật rồng và chụp một tấm hình lưu niệm”.

Gia đình anh Phạm Minh Thọ chụp hình lưu niệm tại linh vật rồng huyện Phù Cát. Ảnh: H.THU

Nhiều linh vật rồng nhất tỉnh năm nay là TX Hoài Nhơn. Ngoài cụm linh vật rồng của thị xã, các phường Hoài Tân, Hoài Thanh Tây, Tam Quan, Tam Quan Bắc cũng có linh vật nổi bật, có nét riêng. Đầu tư quy mô nhất trong số đó là cụm linh vật tại khu vực sân Trung tâm VH&TT phường Tam Quan Bắc. 

Cụm linh vật TX Hoài Nhơn. Ảnh: H.THU

Linh vật rồng phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn) được đặt tại khu di tích lịch sử Cây số 7 Tài Lương. Ảnh: H.THU

Linh vật phường Hoài Tân (TX Hoài Nhơn) được đặt trên một con kênh ngay cạnh UBND phường. Ảnh: H.THU

Linh vật phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Ảnh: H.THU

Ông Phạm Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, cho biết: Biểu tượng linh vật của Tam Quan Bắc có chủ đề “Sắc xuân Giáp Thìn”, được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2, với thiết kế ở mặt chính diện nhân cách hóa hình tượng linh vật trong việc xây dựng quê hương Tam Quan Bắc ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, điểm đến hấp dẫn, thân thiện. Hai cụm linh vật phụ gồm đôi thuyền rồng cách điệu mâm ngũ quả, đối diện trung tâm cụm linh vật là biểu tượng cá ngừ đại dương bên vùng biển xứ dừa Tam Quan… còn mặt sau của biểu tượng linh vật mô phỏng con thuyền của ngư dân Tam Quan Bắc vươn khơi, bám biển, đưa ngành kinh tế biển trở thành ngành mũi nhọn; qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cụm linh vật phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn). Ảnh: H.THU

HOÀI THU

Tác giả bài viết: Theo binhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây