Chủ trì buổi gặp mặt có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự buổi gặp mặt có nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành và 130 nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín và kiều bào tiêu biểu.
Đóng góp to lớn
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ cho biết, năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn; song, cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, tích cực đổi mới, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nổi bật là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 12.766 tỷ đồng. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 7.954,5 tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; xếp thứ 14/63 địa phương cả nước và đứng thứ 3 tại khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm các đại diện nhân sĩ trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, kiều bào tiêu biểu. Ảnh: C.HIẾU |
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và kiều bào định cư, làm việc ở nước ngoài đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của tỉnh”, bà Nguyễn Thị Phong Vũ nhấn mạnh.
Trong đó, đội ngũ nhân sĩ, trí thức luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu, sáng tạo; nhiều đề tài khoa học đã được ứng dụng vào thực tế, như: Giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Định; Sử dụng Plasma lạnh kết hợp phun sương dược liệu nano tự chế tạo để phục vụ nghiên cứu nông nghiệp và y sinh…
Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN trong tỉnh đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế tỉnh nhà. Nhiều DN có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Đề xuất tâm huyết cho quy hoạch, phát triển KT-XH
Tại buổi gặp mặt, đại biểu nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và kiều bào đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả quan trọng, những dấu ấn nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua và năm 2023. Đồng thời, đóng góp những đề xuất thiết thực, cụ thể trên nhiều lĩnh vực cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt quan tâm đến phát triển KT-XH của tỉnh, TS Võ Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-XH tỉnh, cho rằng: Nông nghiệp của tỉnh hiện đã phát triển đến ngưỡng về lượng; phải chuyển hướng từ lượng sang chất, tập trung sản xuất sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Mặt khác, tỷ trọng công nghiệp hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng của tỉnh. Phát triển công nghiệp là đòn bẩy để đẩy kinh tế Bình Định lên cao, tạo ra tác động kép - thu hút lực lượng lao động bên ngoài, hạn chế tình trạng xuất cư như thời gian qua.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ tặng quà cho đại biểu. Ảnh: N.MUỘI |
Đối với thực hiện quy hoạch tỉnh, TS Võ Ngọc Anh đề nghị ưu tiên 3 vấn đề trước mắt trong chỉnh trang đô thị Quy Nhơn. Đó là quy hoạch vùng ven đầm Thị Nại trở thành trái tim của TP Quy Nhơn; quan tâm giải quyết các vấn đề khu vực phía Tây thành phố và khu vực xung quanh hồ Phú Hòa (ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai…); di dời các cụm công nghiệp trong nội thành (CCN Quang Trung, CCN Nhơn Bình) ra khỏi thành phố. Về lâu dài, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm quy hoạch cho sự phát triển của núi Bà Hỏa và phía Bắc núi Vũng Chua.
“Lãnh đạo tỉnh trân trọng cảm ơn tình cảm, sự tin tưởng; đánh giá cao và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và kiều bào. Đồng thời, sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, kiều bào và người có uy tín tiêu biểu của tỉnh đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh trong những năm tiếp theo”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÊ KIM TOÀN |
“Để việc xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại KKT Nhơn Hội hiệu quả, ngay từ bây giờ phải xác lập quỹ đất, tiến hành bố trí trồng cây xanh để 5 - 6 năm sau chúng ta có mảng xanh, hạn chế các vấn đề đặc thù của khu vực này là xói mòn, cát bay. Thêm nữa, cần bàn đến phương tiện di chuyển giữa trung tâm thành phố ra KKT Nhơn Hội để phục vụ người dân, công chức, viên chức đi làm, khách du lịch…”, TS Võ Ngọc Anh nói.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ: Hội chợ Ðồ gỗ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại TP Quy Nhơn năm 2024 lần đầu tiên tổ chức tại TP Quy Nhơn (vào tháng 3.2024) sẽ góp phần thu hút đầu tư, khách du lịch đến với Bình Định. Hiệp hội đang có ý tưởng khi đủ điều kiện sẽ nâng tầm hội chợ trở thành Festival Ðồ gỗ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời kết hợp với văn hóa đặc trưng của Bình Định như võ cổ truyền, bài chòi…
Trên lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đoàn Đức Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, đề xuất lãnh đạo tỉnh xem Trường ĐH Quy Nhơn là một điểm mạnh trong sự phát triển KT-XH tỉnh, có những chính sách để tạo điều kiện, thu hút sự đóng góp từ đội ngũ các nhà khoa học của trường vào sự phát triển. Cụ thể, Trường ĐH Quy Nhơn là 1 trong 11 trường đào tạo giáo viên của quốc gia, lãnh đạo tỉnh phát huy thế mạnh này để phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, mong tỉnh tạo cơ hội để trường tham gia vào xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa; mạnh dạn đặt hàng những chương trình, đề tài, dự án mà trường có thế mạnh như khoa học vật liệu, sinh học, IOT…
NGUYỄN MUỘI - CHƯƠNG HIẾU
Nguồn tin: Báo Bình Định:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn