Đảm bảo tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng đời sống

Thứ năm - 14/04/2022 08:37
Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2022 có nhiều điểm sáng với sự tăng trưởng đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Song, vẫn còn đó những điểm nghẽn nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Đó là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy khóa XX lần thứ 8 (mở rộng), diễn ra ngày 13.4.

Nhiều điểm sáng, không ít điểm nghẽn

Tại Hội nghị, trên cơ sở thảo luận, đánh giá khách quan và toàn diện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho rằng: Trong quý I/2022, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, biến động bất lợi của giá cả, thị trường, biến đổi khí hậu… gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,43%;công nghiệp và xây dựng tăng 7,37% (riêng công nghiệp tăng 7,94%); dịch vụ tăng 7,06%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11,17%. Ước tính tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,5%; thu ngân sách đạt gần 4.038 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Các hoạt động của đời sống xã hội dần bước vào trạng thái “bình thường mới”.
 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, GRDP quý I/2022 có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong mấy năm gần đây sẽ tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong quý II cũng như thời gian còn lại của năm 2022. Còn Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải bày tỏ sự ấn tượng trước mức tăng trưởng của ngành dịch vụ, qua đó đóng góp quan trọng vào mức tăng GRDP.

Quy hoạch gắn với đào tạo, luân chuyển cán bộ

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên lĩnh vực xây dựng Đảng trong thời gian đến là xây dựng Đề án quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh cán bộ chủ chốt của Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, của HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2031. Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ, quá trình thực hiện cần gắn chặt với công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ được trui rèn ở cơ sở.

Không mê mải với những gam màu sáng, các đại biểu đã nhìn thẳng vào những hạn chế, khó khăn và phân tích nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 19,49%, tuy cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng lại sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Thành Hải, nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng như giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng.

Trước tình hình “tiền tỉnh ta không nhiều nhưng không thiếu, vẫn đủ để đầu tư các công trình”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn gay gắt đặt ra yêu cầu phải làm rõ lý do dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. “Giải phóng mặt bằng như thế nào? Thủ tục đầu tư ra sao? Chỉ một dự án nhỏ từ khi có chủ trương đến khi khởi công cũng mất cả năm cho thủ tục”, Phó Bí thư nói.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Kim Toàn cho rằng, kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp không hề có yếu tố mới, mà chỉ có được từ sự phục hồi, mở rộng của các cơ sở cũ. Từ đó cho thấy hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp vẫn là mối lo lớn.

Quan trọng nhất là chất lượng đời sống người dân

 

“Công việc từ nay đến cuối năm 2022 là rất lớn, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và những diễn biến phức tạp khó dự đoán của tình hình thế giới, trong nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành đoàn thể, nhất là người đứng đầu cần tăng cường trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị những tháng còn lại của năm 2022, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu trong năm, tạo đà cho những năm tiếp theo”.

Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG

Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra là đảm bảo tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. “Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng nhưng thu nhập của người dân có tăng không? Đời sống người dân còn khó khăn là nỗi trăn trở. Chúng ta phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, căn cốt là đừng chạy theo số lượng, năng suất chỉ là một phần, chất lượng tăng trưởng mới là thước đo hiệu quả nhất”, đồng chí Lê Kim Toàn nói.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và thời gian còn lại của năm 2022 được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đặt ra là chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề án thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Trên bình diện tổng thể, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy hoạch trên các lĩnh vực nhằm triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khẩn trương hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Rà soát, phối hợp, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký trên địa bàn, đặc biệt là Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Dự án Khu liên hợp gang thép và Bến cảng Long Sơn Phù Mỹ.

Cùng với đó là tập trung hoàn tất thủ tục và tổ chức khởi công các dự án đầu tư công trọng điểm được HĐND thông qua, nhất là các dự án chủ lực trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. “Chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo theo kế hoạch. Rà soát, sửa đổi các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây