Sở Xây dựng cho biết, 4 địa phương đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, gồm: Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 57,14% (trừ 4 đô thị không lập quy hoạch xây dựng vùng huyện là TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, đô thị Tây Sơn). 3 huyện đang đẩy nhanh việc triển khai lập để làm cơ sở trình tỉnh thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện là: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.
Xác định lợi thế, định hình khung phát triển
Tháng 5.2023, quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Lịch cho hay: Đồ án quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với huyện, là kim chỉ nam để huyện cũng như các xã, thị trấn hoạch định định hướng phát triển, lập các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết quản lý và đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Phù Mỹ là vùng tổng hợp phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển năng lượng sạch; dịch vụ, du lịch và kinh tế biển; là vùng kinh tế quan trọng thuộc tiểu vùng phía Bắc của tỉnh.
Phù Mỹ xác định các định hướng phát triển, gồm: Phát triển chuỗi đô thị ven biển; phát triển du lịch; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển sản xuất, vùng Tây huyện ưu tiên phát triển công nghiệp, vùng Đông phát triển kinh tế biển dựa vào lợi thế khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Thành và các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho hay, với tuyến ven biển, xã Mỹ Thành được kết nối thông thương, mở ra không gian phát triển với quỹ đất rộng dọc theo tuyến đường này. Theo quy hoạch 1/2.000, quỹ đất dọc đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành với khoảng 2.986 ha thuộc Mỹ Thành được lập quy hoạch 6 phân khu: Đô thị phía Nam xã Mỹ Thành; cụm du lịch biển quốc tế phía Nam xã Mỹ Thành; khu nông nghiệp công nghệ cao - công nghiệp hậu cần nghề cá - dịch vụ; khu đô thị - dịch vụ du lịch phía Bắc xã Mỹ Thành; khu ở nông thôn hiện hữu; mặt nước đầm Đề Gi.
Đường ven biển được xem là một trong những trục đường quan trọng nhất và là một trong các định hướng phát triển quan trọng với địa phương dọc biển về đô thị, du lịch, kinh tế biển. Điều này cũng được đề cập trong quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Cát đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định chiến lược sẽ trở thành thị xã, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, kinh tế biển; trung tâm dịch vụ vận tải hàng không, đường bộ quốc gia, đường biển. Phù Cát định hình 3 vùng phát triển gồm vùng nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp; công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ hậu cần sân bay; và vùng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển.
Ông Võ Văn Tài, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Phù Cát cho rằng, trọng tâm phát triển của Phù Cát giai đoạn tới là khai thác lợi thế từ vị trí chiến lược khi nằm trên những tuyến, trục giao thông quan trọng của vùng, tỉnh, đặc biệt là cảng hàng không Phù Cát. Huyện tập trung phát triển theo 3 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang đô thị - công nghiệp là một trong những động lực kinh tế chính của huyện, kết nối các đô thị, các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) dọc QL 1; hành lang du lịch phát triển dọc theo tuyến ven biển, kết nối các điểm, khu du lịch của Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội, đầm Đề Gi và các không gian du lịch khác; hành lang phụ trợ Đông Tây dựa trên các tuyến giao thông QL 19B, đường trục Khu kinh tế nối dài và tuyến ĐT 633 - đây là hành lang phụ trợ, hỗ trợ kết nối các khu vực phát triển Đông và Tây đang bị chia cắt bởi địa hình.
Khơi thông, tạo liên kết phát triển
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vân Canh tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 xác định phát triển vùng huyện gắn kết chặt chẽ với TP Quy Nhơn và vùng phụ cận; khu vực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex là một yếu tố quan trọng cấu thành của vùng huyện. Trong đó, tập trung phát triển theo 3 lĩnh vực: Đô thị - công nghiệp là một trong những động lực kinh tế chính của huyện, kết nối giữa đô thị Canh Vinh và thị trấn Vân Canh, hình thành các khu vực công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường phía Tây huyện, ngoài ra tăng cường kết nối TX An Nhơn thông qua đường nối từ KCN Becamex đến Nhơn Tân; hình thành các trung tâm thông tin, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiển; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tài nguyên và quỹ đất rừng tự nhiên rộng lớn.
Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho hay: Trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng huyện, các xã và thị trấn lập đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch đô thị và các đồ án quy hoạch chi tiết..., huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án theo định hướng quy hoạch vùng huyện, đặc biệt ưu tiên dự án giao thông kết nối vùng, bổ sung và tăng cường năng lực giao thông kết nối với các xã khó khăn nhằm tạo động lực phát triển cho các khu vực này. Bên cạnh đó, đề xuất quy hoạch các CCN tại Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Vinh và đề xuất mở rộng CCN thị trấn Vân Canh, làm cơ sở tập trung kêu gọi DN đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn huyện.
Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước cũng đã và đang đẩy mạnh quy hoạch xây dựng chung các xã, thị trấn, nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển và làm cơ sở quản lý, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án theo định hướng quy hoạch vùng huyện, đặc biệt ưu tiên giao thông kết nối vùng tạo động lực phát triển cho các khu vực.
Ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Phù Mỹ cho hay, trong 19 xã, thị trấn, hiện có 3 đô thị (Mỹ Chánh, Bình Dương, Phù Mỹ) đã trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung; huyện phê duyệt quy hoạch cho 4 xã Mỹ Quang, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Thắng, 12 xã còn lại đang giai đoạn thẩm định để phê duyệt trong tháng 10 này. Huyện cũng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, khoảng 17.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vốn ngoài ngân sách.
MAI HOÀNG
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn