Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, các cấp hội CTĐ trong tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Linh hoạt cách làm
Khoảng mười ngày trước, trong tâm thế chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các cấp hội CTĐ của huyện Tuy Phước đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời một số hộ dân ở vùng trọng điểm, xung yếu, ven sông, đê bao, các xã khu Đông. Theo ông Mai Xuân Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tuy Phước, công tác vận động dân di dời khỏi nơi ở để tránh bão lũ lần này diễn ra suôn sẻ hơn trước.
“Giải pháp di dời xen lẫn trong hộ dân cư đang phát huy tác dụng. So với việc tổ chức di dời dân về một điểm tập trung như trước đây, việc vận động người dân chuyển đến tá túc tạm thời trong những hộ có nhà ở kiên cố trong thôn, xóm dễ được họ chấp nhận hơn”, ông Hiền cho biết.
Thị phạm công tác sơ cấp cứu nạn nhân tại buổi tập huấn ở huyện Hoài Ân ngày 20.9. Ảnh: Hội CTĐ huyện Hoài Ân |
Ở một số nơi khác, hội CTĐ các cấp vận động hiệu quả DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn cho người dân ở những khu vực ven núi lưu trú tạm thời tránh sạt lở do mưa lớn, gió xoáy và tài trợ tiền, hàng nhằm chung tay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại. Theo Chủ tịch Hội CTĐ TP Quy Nhơn Trần Đình Chính, một số DN còn chủ động liên lạc với Hội đề nghị hỗ trợ chỗ ở, tài trợ cơm, nước trong ngày.
“Hội đang dự trữ 300 thùng mì tôm, 500 chai nước suối (loại 1,5 lít), 50 bì gạo (loại 10 kg). Trong trường hợp phải di dời dân, Hội có sẵn một số điểm trú tránh an toàn, những nhóm nấu cơm 0 đồng hiện tại có thể lo được chuyện ăn uống trong vài ngày”, ông Chính cho hay.
Bên cạnh nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch tham gia phòng chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ, các cấp hội CTĐ cơ sở còn thường xuyên liên lạc, cập nhật hoạt động, diễn biến thời tiết trên địa bàn thông qua các nhóm chung trên mạng xã hội để hội CTĐ cấp trên biết và điều phối vật lực, nhân lực hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Theo Chủ tịch Hội CTĐ xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) Văn Công Chiến, toàn bộ 10 thôn của xã đều có tổ phòng chống thiên tai, trong tổ có người cũ (có nhiều kinh nghiệm) và người mới nên nhanh nhạy xử lý được những tình huống phát sinh, cấp bách.
Sẵn sàng xung kích
Hơn một tuần kể từ ngày gió lớn thổi bay mái nhà, hai mẹ con chị Chế Thị Hằng (SN 1991, ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão) đã yên tâm với mái nhà mới lợp bằng tôn chắc chắn, an toàn, do Hội CTĐ huyện An Lão vận động nhà hảo tâm ủng hộ và phân công lực lượng thi công. Ngoài ra, Hội còn tặng tiền mặt và nhu yếu phẩm cho mẹ con chị Hằng.
Chủ tịch Hội CTĐ huyện An Lão Thái Kim Dung cho biết, Hội đã quán triệt tất cả hội viên, tình nguyện viên CTĐ cần phát huy cao nhất tinh thần xung kích, tình nguyện giúp dân trong mùa mưa bão năm nay. “Đặc biệt ở những nơi có nguy cơ sạt lở, bị cô lập như An Nghĩa, An Toàn, An Vinh…, tinh thần xung kích, phát huy nội lực ấy càng cần được đề cao, chú trọng”, bà Dung cho hay.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 293 đội ứng phó thảm họa cộng đồng với 3.285 thành viên. Để giúp các thành viên làm tốt nhiệm vụ, thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, cách ứng phó bão lũ phù hợp, hiệu quả và tập huấn cách sơ cấp cứu những tai nạn thương tích thường gặp do thiên tai gây ra.
“Đặc biệt với hoạt động sơ cấp cứu trong cộng đồng do hội CTĐ đóng vai trò nòng cốt, Hội CTĐ tỉnh đặt yêu cầu thành viên các đội phải có đủ kiến thức và thành thạo những kỹ năng cơ bản, cần thiết để đảm bảo an toàn cho mình và cứu người. Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và sắp tới sẽ tiếp tục có thêm 5 lớp nữa dành riêng cho các địa phương ven biển”, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Hà Văn Cát cho biết.
NGỌC TÚ
Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn