KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ VÕ VĂN NGÂN (1902 - 2022) Người chiến sĩ cộng sản kiên cường và tận tụy

Thứ hai - 03/10/2022 06:29

KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ VÕ VĂN NGÂN (1902 - 2022)  Người chiến sĩ cộng sản kiên cường và tận tụy

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Chịu ảnh hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương và nhất là từ người anh trai Võ Văn Tần, cũng là chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân sớm có suy nghĩ độc lập, ham tìm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ, từ đó ý thức về con đường đấu tranh chống áp bức, tự nguyện dấn thân tìm đường cứu dân, cứu nước.
Chân dung đồng chí VÕ VĂN NGÂN. Ảnh tư liệu
Những năm 20 của thế kỷ XX, người thanh niên Võ Văn Ngân tham gia Hội kín của Nguyễn An Ninh, rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tích cực tuyên truyền, vận động những thanh niên ưu tú gia nhập Hội mà sau này trở thành những đảng viên trung kiên, cốt cán của quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn. Năm 1929, đồng chí tham gia An Nam Cộng sản Đảng. Cuối năm 1929, Võ Văn Ngân cùng anh trai lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở quận Đức Hòa.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 6.3.1930, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở quận Đức Hòa chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn. Nhờ những hoạt động tích cực của đồng chí Võ Văn Ngân, chi bộ nhanh chóng phát triển tổ chức, đến cuối tháng 5.1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, đồng chí được bầu vào Quận ủy viên và đã tổ chức quần chúng thực hiện các cuộc biểu tình đòi địch chia lại ruộng đất cho dân nghèo, chấm dứt khủng bố các phong trào đấu tranh của quần chúng. Các cuộc biểu tình làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức lo sợ, chúng ra sức truy lùng Võ Văn Ngân và các đồng chí trong Quận ủy Đức Hòa.
Cuối năm 1931, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn do thực dân Pháp và tay sai ra sức khủng bố, đàn áp, nhưng đồng chí Võ Văn Ngân vẫn kiên trì, tìm cách móc nối, khôi phục các cơ sở đã bị phá vỡ và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định do đồng chí làm Bí thư. Năm 1932, đồng chí được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn là một cán bộ xuất sắc, với tác phong sâu sát quần chúng, lối sống giản dị, tận tụy với công việc, được các cơ sở và quần chúng tin yêu, hết lòng bảo vệ, nên địch không thể phát hiện được.
Bước sang năm 1933, Xứ ủy Nam kỳ được khôi phục. Với những đóng góp tích cực trong phong trào cách mạng, tháng 3.1935, đồng chí được tín nhiệm cử tham gia vào cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ; được bầu là 1 trong 2 đại biểu chính thức thay mặt cho toàn Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao, Trung Quốc. Tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Cán bộ tỉnh Long An dâng hương mộ của đồng chí Võ Văn Ngân tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: baolongan.vn
Sau Đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam Kỳ trong lúc cơ quan Xứ ủy bị địch phá vỡ, phần lớn các đồng chí trong Xứ ủy đều bị bắt. Đồng chí lại bắt tay vào việc khôi phục Xứ ủy và sau đó được cử làm Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo Đảng bộ Nam Kỳ. Thời gian này, đồng chí vừa lo lập lại tổ chức đảng từ cấp Xứ ủy đến cấp tỉnh, vừa lo chuẩn bị xây dựng căn cứ ở vùng nông thôn cho Trung ương Đảng về đóng trụ sở để thuận tiện cho việc chỉ đạo các phong trào cách mạng. Cuối năm 1936, Trung ương Đảng về đóng trụ sở tại xã Tân Thới Nhất, thuộc vùng căn cứ Hóc Môn - Bà Điểm. Tại đây đã ra đời Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11.1939) về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, quyết định hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong xu thế phát triển của tình hình thế giới, dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám sau này.
Năm 1936, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, hàng trăm ủy ban hành động ra đời. Mặc dù bị thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp nhưng phong trào quần chúng vẫn phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra, tạo nên không khí chính trị sôi động đòi quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do hội họp, đòi giảm thuế, tăng lương, giảm giờ làm...
Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ và sôi nổi, đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh, phải nghỉ ngơi để chữa trị, nhưng vẫn luôn hết lòng vì công việc, ngày đêm lo nghĩ và hoạt động quên mình. Năm 1939, đồng chí Võ Văn Ngân đã trút hơi thở cuối cùng; phong trào cách mạng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ mất đi một cán bộ lãnh đạo ưu tú.    
TRIỀU TIÊN
 

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây