Khai mạc Hội chợ Quốc tế đồ gỗ hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn

Chủ nhật - 10/03/2024 08:37
Sáng nay, 9.3, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Hội chợ Quốc tế đồ gỗ phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) do UBND tỉnh Bình Định, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc và đón khách tham quan. Q-FAIR 2024 quy tụ hơn 100 DN ngành gỗ trong và ngoài nước tham gia với gần 1.000 gian hàng, triển lãm các sản phẩm ngoại thất và phục vụ phong cách sống hiện đại, sẽ kéo dài đến ngày 12.3.
Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh tỉnh Bình Định và đơn vị tổ chức, cùng các đại diện hiệp hội ngành gỗ trong nước cắt băng khai mạc Q-FAIR2024 sáng 9.3.
Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh tỉnh Bình Định và đơn vị tổ chức, cùng các đại diện hiệp hội ngành gỗ trong nước cắt băng khai mạc Q-FAIR2024 sáng 9.3.

Dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị; đại biểu các bộ, ngành Trung ương; bà Mizonova Maria Georgievna -  Tổng Lãnh sự Nga tại TP Đà Nẵng; lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và đại diện các tỉnh, tổ chức, hiệp hội, DN quốc tế và trong nước.

Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

 

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bình Định và các địa phương, cùng các hiệp hội, đối tác ngành gỗ trong nước và thế giới dự khai mạc Q-FAIR2024.

Thêm nhiều cơ hội hợp tác, đối tác chiến lược

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Q-FAIR 2024, cho biết đây là hội chợ ngành gỗ lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Định, một sự kiện triển lãm mới lạ, độc đáo quy tụ gần 1.000 gian hàng của hơn 100 DN ngành gỗ liên quan đến các sản phẩm ngoại thất và phục vụ phong cách sống hiện đại. Hội chợ không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm và công nghệ, mà còn xây dựng những cầu nối, tạo ra những mối liên kết quan trọng giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất và đối tác mua hàng quốc tế.

Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Q-FAIR 2024, phát biểu khai mạc Q-FAIR2024.

Ông Lê Minh Thiện nhấn mạnh, đối với Bình Định, Hội chợ này không chỉ là cơ hội để các DN trưng bày những sản phẩm độc đáo và chất lượng, mà còn là dịp để thể hiện sự sáng tạo, tính ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến trong chế tạo sản phẩm gỗ, hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đạt 2 tỷ USD của ngành gỗ tỉnh Bình Định và đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước.

Q- FAIR2024 không dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những đối tác chiến lược để vượt qua khó khăn, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trong môi trường kinh doanh nội địa, từ đó tạo nên những mối liên kết chiến lược và bền vững.

Ông Thiện nhấn mạnh: “Đây không chỉ là nơi để chúng ta tận hưởng vẻ đẹp và chất lượng của sản phẩm gỗ Việt Nam mà còn là không gian để chúng ta cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vươn tới tầm cao mới. Chúng ta cùng đứng trước những biến động thị trường toàn cầu và nhận ra rằng những khó khăn này cũng là cơ hội để các DN tập trung vào sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ, và tìm kiếm những hướng đi mới trong ngành gỗ hiện nay.

Q-FAIR sẽ là kênh xúc tiến thương mại - xuất khẩu hiệu quả giúp các DN ngành gỗ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, là điểm hẹn của sự sáng tạo, đổi mới để các DN có thể tận dụng cơ hội này tìm kiếm những giải pháp tích cực, kết nối với đối tác tiềm năng và cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vươn tới những đỉnh cao mới, cùng nhau vượt qua mọi thách thức, xây dựng một ngành công nghiệp gỗ mạnh mẽ, chất lượng và có vị thế trên thị trường quốc tế”.

Lấy lại đà tăng trưởng ngành gỗ, thực hiện mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD

Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng cùng với thành công của Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2024 tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 - 9.3, sự tiếp nối của Q-FAIR 2024 đang diễn ra tại tỉnh Bình Định là những hoạt động rất cần thiết để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản trong bối cảnh giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2023 sụt giảm chưa từng có trong lịch sử (đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu.

Theo Thứ trưởng, năm 2024, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu nói chung, gỗ và sản phẩm của ngành gỗ nói riêng.

Q-FAIR 2024 quy tụ hơn 100 DN triển lãm sản phẩm gỗ ngoài trời uy tín của Việt Nam và các nước như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Tây Ban Nha… sẽ thu hút hàng trăm khách hàng quốc tế là các tập đoàn đa quốc gia tham dự và kết nối giao thương.

“Tôi tin tưởng Q-FAIR 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều sự kết nối, giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với các khách hàng trên toàn thế giới, thu hút khách hàng đến với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD lâm sản vào năm 2025 của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, Bộ NN&PTNT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các DN, các hiệp hội”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định.

Bình Định khẳng định ưu thế đồ gỗ ngoài trời trong chuỗi cung ứng quốc tế

Đó là nhận định của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trong phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu.

Ông Phú cho rằng, ngành gỗ tiếp tục khẳng định chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế của Việt Nam. Mỗi năm, ngành gỗ xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á. Ghi dấu ấn từ các sản phẩm nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến, xây dựng đến sản phẩm có tính hoàn thiện cao, thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt đã được mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, với những lợi thế và thu hút được nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn, tỉnh Bình Định trở thành một trong 4 trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, Bình Định ngày càng khẳng định ưu thế về các mặt hàng gỗ kỹ thuật, đồ gỗ ngoại thất trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội ngoại thất sẽ 644,1 tỷ USD vào năm 2030 và với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% trong giai đoạn 2022 - 2030, trong đó dự báo sự tăng trưởng khả quan của nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngoài trời, xuất phát từ xu hướng người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Đây có thể coi là động lực để ngành gỗ tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới; đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư.

Trên tinh thần đó, ông Phú cho rằng, với sự đồng thuận, tham gia chủ động, tích cực của bộ, ngành, địa phương, các DN ngành gỗ cả trong và ngoài nước, Q-FAIR 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả giúp các DN ngành gỗ phát triển thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ”.

Đưa Bình Định trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh phạm Anh Tuấn thông tin, tỉnh Bình Định hiện có khoảng 415.700 ha đất rừng và đất lâm nghiệp (trong đó rừng tự nhiên 215.000 ha), với độ che phủ rừng 57%. Nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định từ gỗ rừng trồng, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu.

Toàn tỉnh có gần 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) gần 15.000 ha. Định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt trên 30.000 ha; tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%. Kết hợp với phương thức tổ chức sản xuất mới, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản, sẽ giúp Bình Định sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng.

Cùng với định hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn, Bình Định còn là một trong những địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất, là một trong những “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước, là một trong các trung tâm phát triển các cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản. Toàn tỉnh đang có số lượng nhà máy chế biến gỗ lớn nhất cả nước, tập trung ở KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ (TP Quy Nhơn), với khoảng 300 DN chế biến gỗ đang hoạt động (245 DN đã đi vào hoạt động, vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng).

Sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác (dăm mảnh, viên nén); thị trường tiêu thụ chính tại Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản... với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 930 triệu USD/1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 
 
 

Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm sản phẩm gỗ ngoài trời tại Q-FAIR2024.

Thời gian qua, Bình Định đã tích cực vận động, khuyến khích các DN chế biến gỗ tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; thực hiện quy trình quản lý chuỗi hành trình FSC-CoC, chứng chỉ VFTN… đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, phong phú. Sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã phát huy được hiệu quả, làm tốt vai trò cầu nối các DN cùng ngành hàng liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định đã đi vào hoạt động, chính sách hỗ trợ DN tham dự hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khách tham quan triển lãm sản phẩm gỗ ngoài trời tại Q-FAIR2024.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng tin tưởng Hội chợ sẽ được tổ chức thường niên nhằm thực hiện chiến lược của tỉnh Bình Định đưa ngành gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển xanh hơn, bền vững hơn dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, hiệp hội, DN quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ khoảng trên 2 tỷ USD.

“Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, DN hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định.

HẢI YẾN - MAI HOÀNG - NGUYỄN DŨNG

Tác giả bài viết: Theo binhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây