Nghị quyết 06-NQ/TW: Tầm nhìn chiến lược của Ðảng về quy hoạch, phát triển đô thị

Thứ sáu - 24/06/2022 08:06

Nghị quyết 06-NQ/TW: Tầm nhìn chiến lược của Ðảng về quy hoạch, phát triển đô thị

Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nghị quyết riêng đầu tiên được ban hành, mang tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại, thể hiện sự quan tâm của Ðảng đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Kim chỉ nam phát triển đô thị
Nghị quyết 06-NQ/TW (NQ 06) xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

NQ 06 đặt ra yêu cầu hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.
- Trong ảnh: Diện mạo đô thị TP Quy Nhơn ngày càng khởi sắc. Ảnh: DŨNG NHÂN

Mục tiêu tổng quát đặt ra từ NQ 06 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
NQ 06 đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025, khoảng 85% vào năm 2030.
Cùng với đó, đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, NQ 06 chính là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật, nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát triển đô thị bền vững, hiện đại
NQ 06 chỉ rõ cách tiếp cận đa ngành, với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng giờ đây là phải có những động thái tích cực, giải pháp phù hợp để đưa NQ 06 vào thực tiễn; nhằm tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững, hiện đại.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Để thực hiện quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng bền vững, các địa phương cần quan tâm chú trọng các giải pháp xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng; xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Cùng với đó, tiếp tục tập trung cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, kết hợp đồng bộ và hài hòa với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy, chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị (Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT), quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo đảm thị trường bất động sản và nhà ở phát triển ổn định, công khai, minh bạch. Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân đô thị, nhất là các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động có khó khăn về nhà ở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải đổi mới mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, thông minh, phân định rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc trung gian. Phân cấp mạnh mẽ và triệt để trong quản lý đô thị, nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị. Thực hiện chuyển đổi số trong đô thị, xây dựng chính quyền số gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.                
MAI LÂM

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây