NHÂN ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027: Phật giáo cùng dân tộc vun đắp khối đại đoàn kết

Thứ hai - 04/07/2022 08:09

NHÂN ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027:  Phật giáo cùng dân tộc vun đắp khối đại đoàn kết

Sáng nay (4.7), Ðại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Ðây là dịp nhìn lại một nhiệm kỳ của Phật giáo Bình Ðịnh với nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển KT-XH, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hòa nhập nhịp đời
Theo Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, với phương châm “Ðạo pháp - Dân tộc - CNXH”, thời gian qua, Ban Trị sự tiếp tục điều hành, dẫn dắt tăng, ni, phật tử và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7.11.1981 - 7.11.2021), đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm và chúc mừng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh. Ảnh: N.M
Đồng thời, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ðảng, Nhà nước và MTTQ các cấp phát động như: Cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, Đền ơn đáp nghĩa; phong trào giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc và các hoạt động văn hóa - xã hội ở địa phương.
 
“Trong ngôi nhà đại đoàn kết của MTTQ, Phật giáo luôn đồng hành, thực hiện tốt việc đạo, việc đời với những hoạt động ý nghĩa. Những hoạt động này không chỉ phát huy tác dụng trong đồng bào có đạo, mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống xã hội, góp phần giáo hóa, khích lệ con người biết quan tâm đến cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng thiên nhiên, hình thành những quan niệm sống giàu tính nhân văn, có ích cho xã hội, góp phần quan trọng vào những thành quả chung của tỉnh nhà”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh HỒ THỊ KIM THU
Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Trị sự đã đưa chủ đề “Đạo Phật và môi trường” vào chương trình hoạt động Phật sự hằng năm và hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện; lồng ghép phổ biến trong các buổi thuyết giảng, tuyên truyền, hướng dẫn tăng, ni, phật tử.
“Góp phần cho hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cơ sở Phật giáo thực hiện nếp sống văn minh nơi cơ sở tôn giáo. Các cơ sở Phật giáo, phật tử đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất để làm đường giao thông, làm các công trình dân sinh. Hằng năm, có khoảng 95% hộ gia đình phật tử được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa”, bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông tin.
Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phật giáo cũng đóng góp cho kinh tế của tỉnh thông qua hình thức du lịch tâm linh. Thời gian gần đây, nhiều du khách đến Bình Định đã chọn trải nghiệm về văn hóa, lịch sử tại các cơ sở Phật giáo như: Tổ đình Long Khánh, chùa Thiên Hưng, chùa Thập Tháp, chùa Linh Phong, chùa Nhạn Sơn…
Từ bi là gốc rễ
Những năm qua, tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha trong đạo Phật đã hòa cùng truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Cộng đồng Phật giáo trong tỉnh đã hành động để lan tỏa tinh thần nhân ái. Tổng số tiền thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện trong nhiệm kỳ qua gần 84 tỷ đồng.
Các vị tăng, ni, cơ sở Phật giáo và nhà hảo tâm thăm, tặng quà bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.  Ảnh: QUẢNG TIẾN
Thông qua Ban Từ thiện xã hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã vận động nguồn lực, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai mưa bão, lũ lụt trong tỉnh và các tỉnh lân cận; vận động, phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật mắt nhân đạo cho người nghèo trong tỉnh, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo. Tổng số tiền thực hiện hơn 8,5 tỷ đồng. Vào các dịp lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, tết, Ban Từ thiện xã hội cũng triển khai các hoạt động tặng quà, gạo, tiền mặt cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách khó khăn, các trường hợp tại các cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh nhân nghèo với tổng số tiền hơn 19,3 tỷ đồng.
Trong đại dịch Covid-19, bên cạnh việc phối hợp vận động phật tử nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ Vắc xin, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19, ủng hộ vật tư y tế và nhu yếu phẩm cho tuyến đầu, đóng góp kinh phí hỗ trợ người dân những nơi bị cách ly, phong tỏa trong và ngoài tỉnh… Tổng kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch hơn 10,8 tỷ đồng.
Phật giáo trong tỉnh cũng đã xây dựng nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực. Chương trình Nồi cháo tình thương, hộp cơm từ thiện, bánh, sữa dinh dưỡng hỗ trợ bệnh nhân nghèo đã triển khai tại các bệnh viện trong toàn tỉnh. Mô hình quán cơm chay 2.000 đồng được nhân rộng tại các tự viện như chùa Tường Quang, chùa Long Hoa, chùa Nhơn Hòa, chùa Phổ Minh… 
Nhiều cơ sở tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Chùa Liên Tôn hiện che chở 8 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Niệm Phật đường Mỹ Hóa đang nuôi dạy 30 trẻ khuyết tật, mồ côi. Các trẻ đều được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, được tạo điều kiện học tập, phát triển.
Mô hình xe cứu thương “0 đồng” tại chùa Long Hoa (huyện Phù Cát), chùa Dương Sơn (huyện Tuy Phước) đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, xe cứu thương “0 đồng” chùa Dương Sơn đã vận chuyển miễn phí các bệnh nhân đến nơi điều trị, vận chuyển miễn phí hài cốt các bệnh nhân đã tử vong vì Covid- 19 từ TP Hồ Chí Minh về lại quê hương.
Ban Trị sự Phật giáo TP Quy Nhơn đã tổ chức chương trình “Giọt hồng từ bi”, góp phần lan toả phong trào hiến máu tình nguyện. Các tăng, ni, phật tử đã tích cực hưởng ứng chương trình.   
 
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khóa tu mùa hè đã trở lại với học sinh TP Quy Nhơn. Tháng 6 vừa qua, Trại hè yêu thương với chủ đề “Bi, Trí, Dũng” được tổ chức tại Tổ đình Long Khánh có 300 trại sinh tham gia.
Chị Phạm Thị Thủy (có con tham dự Trại hè) cho biết: “Gia đình tôi là phật tử nên con gái có chút duyên lành với đạo Phật. Tại khóa tu mùa hè, con được nghe thuyết pháp giáo dục về kỹ năng sống, sự hiếu thuận, yêu thương, chia sẻ… Đây đều là những điều ý nghĩa với con, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho quá trình trưởng thành của con”.

 NGUYỄN MUỘI
 

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định: http://www.baobinhdinh.com.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây