Ðó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến diễn ra sáng 5.10, nhằm đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn... Tăng trưởng 9 tháng đầu năm khả quan Dù đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng trong 9 tháng đầu năm, Bình Định vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,9% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước (GDP cả nước tăng 4,2%), xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước, thứ 7/14 địa phương vùng miền Trung và thứ 1/5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 85.744,1 tỷ đồng, đứng thứ 5/14 địa phương vùng miền Trung. Tất cả khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,5% (riêng công nghiệp tăng 4,6%); dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,9% so với cùng kỳ… Ngành Du lịch Bình Định ước đón được trên 4,3 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 14.528 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa phải) kiểm tra dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Bình Định, ngày 3.10.2023.Ảnh: T.TRANG
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 1,5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 1.154 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch năm và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 là 8.407,7 tỷ đồng, đạt 61,6% dự toán, giảm 31,1% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến ngày 22.9 đạt 5.619,3 tỷ đồng, đạt hơn 73,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 58,3% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trên cơ sở nội dung báo cáo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, nhất là ở các lĩnh vực dự báo còn gặp nhiều khó khăn đó là sản xuất công nghiệp, thu ngân sách và chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai khi mùa mưa bão đã đến. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, nền kinh tế tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, với giá trị GRDP qua 9 tháng tăng 6,9% là kết quả rất đáng mừng. Năm nay, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Chỉ số các ngành này tăng trưởng góp phần “đỡ” cho công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, với các dự án sản xuất công nghiệp mới đang triển khai, năm tới sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH 9 tháng qua, nhất là sự cụ thể, sâu sát của người đứng đầu các ngành, địa phương còn hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục; bởi nắm rõ, nắm chắc mới có giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Thu hút đầu tư, cải cách hành chính, đạo đức công vụ, có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu, giải quyết công việc thực tế cho người dân và DN còn cứng nhắc. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cuối năm Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt cho công tác chuyển đổi số, trong đó, Sở TT&TT triển khai các giải pháp cấp bách tạo chuyển biến trong công tác này từ nay đến cuối năm. Một nhiệm vụ quan trọng khác nữa là phải tạo sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, viên chức trong giải quyết công việc, thủ tục cho người dân và DN. Ngoài chỉ đạo cụ thể các ngành Nông nghiệp, Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, chống lấn chiếm đất đai. Sở Xây dựng sớm phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để trình Trung ương thông qua và tiến hành công bố cho người dân. Đối với ngành Du lịch, phải chuẩn bị các chương trình kích cầu du lịch mùa thấp điểm và tổ chức chuỗi sự kiện liên quan tới Giải đua thuyền máy quốc tế F1H20 và Aquabike diễn ra cuối tháng 3.2024 tại TP Quy Nhơn. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định đôn đốc các ngân hàng triển khai các gói tín dụng cho DN và người dân vay phát triển sản xuất kinh doanh nhanh chóng, thực chất. Yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương sớm chuẩn bị các phương án đảm bảo an sinh xã hội, chuẩn bị nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ người dân các dịp lễ, tết sắp tới. Về định hướng phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023, trong đó, tổng sản phẩm địa phương GRDP đạt trên 7%. Chúng tôi dự kiến phải đạt 7,2%, vì đầu quý IV/2023 các DN bắt đầu phục hồi cộng với một số dự án mới đưa vào hoạt động nên kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến vẫn đạt được 1,6 tỷ USD. Còn một số chỉ tiêu “mong manh” như thu ngân sách thì phải tập trung vào thu tiền sử dụng đất; giải ngân vốn đầu tư công các địa phương phải làm nghiêm túc, phải tập trung vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đặc biệt chú ý việc giao chỉ tiêu thu ngân sách”. Quyết liệt chỉ đạo các địa phương trong công tác thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, từ năm 2024, tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cho đơn vị quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó, cụm công nghiệp 1 năm phải thu hút được ít nhất 2 dự án, khu công nghiệp mỗi năm thu hút từ 5 - 10 dự án. Nếu địa phương không làm được trong 1 - 2 năm sẽ thu hồi để chuyển giao cho DN. Tỉnh phải tạo đột phá về cải cách hành chính và đạo đức công vụ. Những nút thắt lớn như quy định về PCCC, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai… phải được giải quyết triệt để. Lãnh đạo tỉnh sẽ xuống tận xã để kiểm tra đạo đức công vụ, xem các địa phương có phải lấy người dân làm trung tâm hay không. HOÀNG QUÂN