76 năm "Cho đi là còn mãi"

Thứ ba - 22/11/2022 09:49
Trải qua quá trình 76 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp. Mỗi bước tiến của Hội trên hành trình nhân ái đều gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm hướng tới mục đích cao cả: “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.
76 năm "Cho đi là còn mãi"
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trao Cờ thi đua xuất năm 2021 của Chính phủ cho Hội CTĐ tỉnh Bình Định
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, cả nước hướng về Ba Đình lịch sử lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á lại phải bước ngay vào cuộc chiến đấu mới, vừa chống thù trong, vừa chống giặc ngoài trong một tình thế hết sức hiểm nghèo. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập tổ chức Hội Hồng thập tự Việt Nam - tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay. Được sự quan tâm của Đảng, sự khích lệ và chỉ dẫn của Bác Hồ, ngày 23/11/1946, Đại hội Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại đình Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Thủ đô Hà Nội) chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội, Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tiếp thu và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc và tinh hoa tiến bộ của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho hoạt động của Hội: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Lời khuyên đó đã, đang và sẽ mãi mãi là động lực, là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp nhân đạo cao cả của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hội Hồng thập tự Việt Nam ra đời chưa đầy 1 tháng thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cán bộ, hội viên của Hội đã sát cánh cùng quân, dân y và các tổ chức xã hội phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh, nạn nhân chiến tranh, sơ tán đồng bào, cứu đói, chăm sóc trẻ mồ côi, những người già tàn tật không nơi nương tựa và phòng chống dịch bệnh.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, hàng vạn hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đã tham gia các đội cứu thương, tải thương, cứu sập hầm, giúp nhân dân sơ tán, đào hầm trú ẩn, xây dựng hàng ngàn tổ cứu thương Chữ thập đỏ, tham gia chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, cứu trợ các nạn nhân chiến tranh, nhiều tập thể, hội viên, đội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ lập công xuất sắc.
Ở miền Nam năm 1961, Hội Hồng thập tự giải phóng ra đời và đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ giải phóng trên khắp các chiến trường làm nhiệm vụ cấp cứu, tải thương.
Sau khi đất nước thống nhất, Hội Chữ thập đỏ 2 miền hợp nhất thành Hội CTĐ Việt Nam, cùng với hoạt động giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã đóng góp không nhỏ vào việc ổn định, phát triển đời sống của nhân dân. Từ khi có đường lối đổi mới của Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khởi xướng và đi đầu trong phong trào “Người người làm việc thiện - Nhà nhà làm việc thiện - Ngành ngành làm việc thiện”.
Trong hoàn cảnh đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm để lại hậu quả vô cùng nặng nề về mặt kinh tế - xã hội, thêm vào đó lại luôn bị thiên tai tàn phá, Hội Chữ thập đỏ đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, làm nòng cốt trong việc vận động đồng bào đoàn kết tương trợ lẫn nhau bằng nhiều hình thức phong phú: cứu đói, giúp đồng bào bị thiên tai, bão lụt, chăm sóc người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, xây dựng nhà tình thương… Đặc biệt khi xảy ra thiên tai, bão lụt xảy ra, hội viên Chữ thập đỏ luôn có mặt sớm nhất để giúp nhân dân di dời, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ lương thực, thuốc men, quần áo, chăn màn, đồ dùng gia đình cho những người hoạn nạn...
Là thành viên trong phong trào CTĐ-TLLĐ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc của phong trào vào hoạt động của mình và tích cực đóng góp cho phong trào, mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Hội CTĐ- TLLĐ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Hội đã có nhiều hoạt động nhân đạo chi viện, giúp đỡ các nước bè bạn trên thế giới, đồng thời cũng luôn nhận được sự cổ vũ và giúp đỡ to lớn có hiệu quả của Ủy Ban quốc tế Chữ thập đỏ, Hiệp hội CTĐ- TLLĐ quốc tế và các quốc gia.
Cùng với sự phát triển của phong trào Chữ thập đỏ cả nước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định từ ngày thành lập đến nay đã trải qua gần 46 năm (04/1/1977 - 04/1/2023) xây dựng và trưởng thành, đã kế tục và phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”; phát huy cao độ lòng nhân ái, không ngừng xây dựng và củng cố tổ chức và hoạt động Chữ thập đỏ có những bước phát triển, có nhiều mô hình hoạt động phong phú, thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống của nhân dân, của những người dễ bị tổn thương trong xã hội góp phần đáng kể trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ở trên địa bàn của tỉnh. Hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Chất lượng hoạt động của các cơ sở Hội, chất lượng hội viên, tình nguyện viên không ngừng được nâng lên. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có nhiều hoạt động nhanh nhạy, kịp thời và có hiệu quả, vừa huy động được nguồn lực tại chỗ, vừa tranh thủ được các nguồn từ TW Hội, Hiệp hội CTĐ - TLLĐ, Hội CTĐ các quốc gia, các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước để chăm lo, giúp đỡ những người nghèo, người gặp hoạn nạn, những đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Các phong trào tương thân, tương ái với tinh thần “Người người làm việc thiện - Nhà nhà làm việc thiện - Ngành ngành làm việc thiện” được phát động với những chủ đề sát thực, phù hợp, đúng thời điểm như: cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam và trẻ em có hoàn cành khó khăn”, “Tháng nhân đạo”, Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"; "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"… đã được dư luận xã hội đồng tình và nhân dân tích cực hưởng ứng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của những hộ gia đình khó khăn, bất hạnh do bệnh tật và thiên tai. Nhiều mô hình hoạt động nhân đạo được hình thành để phục vụ cho nhân dân và người nghèo như: Mô hình Hũ gạo tình thương, Lon gạo nghĩa tình, 10 người giúp một người, Sổ vàng nhân đạo, Thùng lạc quyên nhân đạo, Ngân hàng bò, hỗ trợ vốn, vật nuôi cho người nghèo phát triển chăn nuôi ổn định đời sống, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng nhà tình thương, trường mẫu giáo; lắp chi giả, tặng xe lăn, xe lắc, cứu trợ khẩn cấp, tặng quà, khám chữa bệnh nhân đạo, hiến máu nhân đạo; Bữa cháo cơm tình thương… đều mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng giá trị thực hiện công tác kêu gọi trợ giúp mỗi năm đạt trên 70 tỷ đồng.
 

Tác giả bài viết: HÀ CÁT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây