Tham dự hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) có đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước; đại diện các doanh nghiệp; đại diện Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Năm 2023, thiên tai trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, tổng thiệt hại do thiên tai lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, điển hình là hai trận động đất tháng 2/2023 liên tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm hơn 50 nghìn người đã thiệt mạng, hàng loạt các tòa nhà, công trình đã bị phá hủy. Tháng 5/2023 có hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia; cháy rừng tại Indonesia, Hy Lạp, Hawaii; ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà, thiếu nước uống nghiêm trọng và có hơn hơn 11.000 người thiệt mạng và 10.000 người mất tích….
Tại Việt Nam, năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng); mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…
Theo ông Nguyễn Hải Anh là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, là 1 trong 7 hoạt động trong Luật hoạt động chữ thập đỏ. Trong nhiều năm qua, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội đã chuyển mạnh sang hành động sớm trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thảm họa bằng việc kiện toàn, thành lập và nâng cao năng lực các cấp đội ứng phó thiên tai, thảm họa; hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa; quy định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục thí điểm cũng như sẵn sàng hành động sớm với nắng nóng, bão do gió và lũ lụt do bão; ra soát, kiểm đếm chất lượng số lượng các mặt hàng cứu trợ; tổ chức thực hiện vận động trong và ngoài nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Hội đã đẩy mạnh hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả về cộng đồng an toàn trong phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng; bước đầu thí điểm các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào tự nhiên,….
Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh với các bộ, ban ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng ứng phó cấp Trung ương, các đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh/thành, quận/huyện và xã/phường; Tập huấn, hướng dẫn, áp dụng Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa (SOP), Quy trình chuẩn Chương trình tiền mặt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các chương trình cứu trợ khẩn cấp. Thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; Nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ; Ứng phó và hỗ trợ phục hồi; rà soát bổ sung các mặt hàng cứu trợ tại 4 kho hàng dự trữ của Trung ương Hội.
Tác giả bài viết: Theo Web Hội CTĐ VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn