Để có sức đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh, ngoài việc tuân thủ khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế như: hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài, luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu ít nhất 2m; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; Thực hiện khai báo y tế, cung cấp thông tin sức khoẻ bản thân. Người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh, là một trong những biện pháp quan trọng giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Về chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất, đảm bảo chế độ ăn đẩy đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như: đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen… Bổ sung thực phẩm từ rau xanh, hoa quả giúp ngăn ngừa táo bón, cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết cho cơ thể, duy trì cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chế biến hợp khẩu vị, sở thích, khả năng nhai nuốt thức ăn để có thể ăn đủ số lượng. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, gầy, hoặc sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Ngoài ra, nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch bao gồm: Vitamin A, C, E, một số vi chất như: sắt, kẽm, vitamin D. Có thể sử dụng một số gia vị hoặc thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, trà xanh, sữa chua… Thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất từ 6 - 9 cốc (tương đương 1,2 - 1,8 lít) không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc.
Người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị. Những người cao tuổi có các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, huyết áp… cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ; không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng liều, giảm liều. Nếu có vấn đề mới về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần tăng cường vận động để giúp cơ thể thêm dẻo dai và tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút, có thể tự vận động tại nhà như: đi lại nhiều hơn, tập dưỡng sinh, dọn dẹp nhà cửa, đạp xe, đi bộ... sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh đó, môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.
Để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngoài việc tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện chế độ sinh hoạt và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, thì sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng, thay vì hoang mang lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh, lạc quan để phòng tránh dịch COVID-19 có hiệu quả hơn.