Chủ động ứng phó bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư - 25/05/2022 08:08
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 18.5, toàn tỉnh ghi nhận 181 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Hai tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng. Ðể tránh tình trạng bệnh lan rộng, các địa phương đang tăng cường các biện pháp phòng, chống.
Các địa phương tổ chức xử lý, phòng, chống dịch khi có ca mắc sốt xuất huyết.
Các địa phương tổ chức xử lý, phòng, chống dịch khi có ca mắc sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần 20 (ngày 12 - 18.5), toàn tỉnh ghi nhận 34 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) mắc mới, bằng với tuần trước đó. Trong tuần, phát hiện 10 ổ dịch SXH tại các huyện, thị xã: An Nhơn (2 ổ dịch), Phù Cát (1 ổ dịch), Hoài Ân (6 ổ dịch), Tây Sơn (1 ổ dịch). Từ đầu năm đến nay, đây là khoảng thời gian ghi nhận số ca mắc SXH nhiều nhất.
Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Tại các địa phương, công tác phòng, chống SXH được thực hiện chặt chẽ từ cấp thôn đến cấp huyện. Các thôn, khu phố giám sát, phát hiện các trường hợp bị sốt và báo cho TTYT địa phương, TTYT sẽ triển khai các biện pháp xử lý.
Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên Đội Y tế dự phòng, TTYT TX An Nhơn, cho hay: Khi phát hiện có ca SXH trong cộng đồng, chúng tôi ngay lập tức thực hiện giám sát. Chỉ cần có bệnh nhân có triệu chứng SXH, chúng tôi cũng sẽ chủ động phun thuốc diệt muỗi. Khi xác định chính xác là SXH thì triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đặc điểm muỗi vằn gây SXH là sinh sản ở nơi nước sạch, muỗi chủ yếu ở lẩn quẩn trong nhà nên khi phun thuốc diệt muỗi thì phun trong nhà là chính, trước khi phun thuốc cần tổ chức diệt bọ gậy.
Cùng với các địa phương khác như An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn, tuần vừa qua Hoài Ân ghi nhận 6 ổ dịch tại thị trấn Tăng Bạt Hổ (2 ổ dịch), xã Ân Đức (2 ổ dịch), xã Ân Mỹ (2 ổ dịch). Để tránh dịch bệnh lan rộng, bác sĩ Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, cho biết: Tiếp nhận thông tin ca bệnh, chúng tôi lập tức cử đội dịch tễ xuống tận nơi để giám sát và xử lý. Sau khi xác định được ổ dịch, chúng tôi phối hợp với UBND địa phương, các hội, đoàn thể tiến hành diệt bọ gậy và sau đó là phun thuốc diệt khuẩn, không để SXH lan rộng. Ngoài ra, chúng tôi còn nhắc nhở người dân nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, sốt, nhức đầu… thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Ngoài các địa phương đã ghi nhận các trường hợp mắc SXH, các địa phương khác cũng đang theo dõi sát, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này. Bác sĩ CKII Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Dù địa phương chưa ghi nhận ca mắc SXH nhưng chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Khi có ca mắc SXH, chúng tôi sẽ lập tức triển khai các biện pháp xử lý”.
Nhìn chung, nhờ được truyền thông tốt và tận dụng các kỹ năng phù hợp từ cuộc chiến chống Covid-19 nên công tác phòng, chống SXH tương đối thuận lợi, đặc biệt, ý thức chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân đã tốt hơn một bậc so với trước. Nhiều xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hướng dẫn y tế cộng đồng nhằm khống chế kịp thời, không để phát sinh ổ dịch, không để ổ dịch lan rộng trong cộng đồng. Cùng với đó, chính quyền nhiều nơi còn cho thành lập nhiều tổ vệ sinh môi trường, tổ chức diệt bọ gậy, phát quang những vị trí rậm rạp, ẩm thấp có thể biến thành nơi cư trú, sinh sản của muỗi.
Chủ động kiểm soát dịch bệnh
Tại thôn An Thành, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), ông Lê Văn Trị, Trưởng thôn An Thành, chia sẻ, ngoài thành lập tổ diệt bọ gậy ở từng thôn, thôn thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên nơi cư trú, đặc biệt là nhắc nhở các em học sinh về việc phòng, chống SXH. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con úp những vật dụng có thể chứa nước mà không dùng đến, không để nước đọng, đêm ngủ nằm màn... Năm nào cũng vậy, bắt đầu vô mùa hè, dù chưa có dịch nhưng thôn cũng đã tuyên truyền rồi. Chúng tôi còn lập nhóm Zalo, Facebook để chia sẻ, nhắc nhở các hoạt động của thôn, trong đó có công tác phòng, chống dịch SXH.
Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng. Ảnh: ĐỖ THẢO 
SXH là bệnh chưa có thuốc điều trị, chỉ điều trị theo triệu chứng và hỗ trợ về dinh dưỡng, do vậy mọi người nên tập trung vào các biện pháp phòng tránh như vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, không để nước đọng. Bác sĩ Cao Trọng Nghĩa, Khoa Truyền nhiễm (TTYT TX An Nhơn), nhấn mạnh: Vì chưa có thuốc điều trị, nên việc phòng, chống rất quan trọng, diệt bọ gậy, muỗi là rất tốt nhưng cùng với đó còn phải nằm màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
Bác sĩ Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, nhìn nhận: Thực tế cho thấy, khi dịch bệnh nổi lên thì chúng ta vào cuộc diệt bọ gậy nhưng sau đó tình hình ổn thì người dân và chính quyền cũng sẽ mất tập trung. Do vậy, bên cạnh hoạt động của ngành Y tế, chúng tôi tập trung tuyên truyền về tình hình ca bệnh, các cách phòng bệnh để người dân tự triển khai. Nếu làm tốt được vấn đề này thì không cần phải chờ đến các đợt diệt bọ gậy của ngành Y tế cũng như chính quyền mà người dân có thể tự làm tại nơi ở của mình.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Năm 2021, số ca mắc SXH rất thấp so với mọi năm. Đầu năm 2022, số ca mắc cũng thấp, tuy nhiên theo chu kỳ dịch tễ và đặc điểm biến đổi khí hậu hiện nay, khả năng SXH sẽ tăng vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Căn cứ dự báo này, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế có kế hoạch triển khai các chiến dịch xử lý diện rộng, kịp thời có các biện pháp phòng, chống phù hợp.
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Trung tâm huấn luyện sơ cứu
Ủng ho dong bao bi thiet hai do bao so 3
LIÊN KẾT WEBSITE
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay623
  • Tháng hiện tại52,609
  • Tổng lượt truy cập4,126,802
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây