Để tiếp tục duy trì thành quả phòng, chống dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai các chiến dịch tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều cơ bản cho người dân; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 - 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh; rà soát đối tượng, tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi và liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay tỉnh đã tổ chức tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ 97%; đã tổ chức tiêm chủng đủ mũi vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt tỷ lệ 98,3%. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, tiêm chủng liều nhắc lại mũi 1, mũi 2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 để duy trì miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Đ. THẢO |
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Thành quả chúng ta có được trong phòng, chống dịch Covid-19 chủ yếu là nhờ vắc xin mang lại. Tuy nhiên, xin nhắc lại, vắc xin ngừa Covid-19 hiệu lực không bền. Vì vậy, nếu không tiêm các mũi nhắc lại, kháng thể có được sau khi tiêm các liều cơ bản sẽ giảm nhiều, thậm chí là không còn, hệ quả là miễn dịch cộng đồng suy giảm và nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tái phát rất cao.
Bác sĩ CKII Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: Để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin liều nhắc lại, chúng tôi đến từng xã, thị trấn để phối hợp với chính quyền thông tin, vận động người dân đi tiêm. Do vậy đợt tiêm vừa rồi cũng rất hiệu quả. Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em, chúng tôi tích cực phối hợp với các trường để tuyên truyền các lợi ích về vắc xin, thông báo cho phụ huynh đưa con em đến điểm tiêm.
Tại TX An Nhơn, ngoài tuyên truyền, ngành Y tế thị xã còn tổ chức khám sức khỏe cho người từ 50 tuổi trở lên - đối tượng ưu tiên tiêm liều nhắc lại lần 2. Tại đây nhân viên y tế sẽ trực tiếp giải thích cho người dân về những lợi ích của việc tiêm vắc xin và triển khai tiêm ngay.
Bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Tôi tham gia cùng đoàn tiếp xúc cử tri, tại đây nhiều người lo ngại bởi thông tin khi tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 2 sẽ xảy ra hiện tượng rụng tóc, ngứa, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, mất ngủ... Những thông tin không căn cứ này lan rất nhanh, đặc biệt trên mạng xã hội nên công tác tiêm vắc xin thật sự khó khăn, chúng tôi phải thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền vận động để mọi người hiểu được lợi ích của việc tiêm vắc xin đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Theo Sở Y tế, cho đến nay tỉnh Bình Định vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc các bệnh: Cúm tuýp A (H1N1, H5N1, H7N9), tiêu chảy cấp nguy hiểm, đậu mùa khỉ. Đáng mừng là số ca mắc các bệnh truyền nhiễm khác ở mức không đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy chúng ta vẫn rất cảnh giác, không lơ là trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Nhân viên y tế dự phòng TTYT TX An Nhơn chuẩn bị hóa chất phun diệt muỗi tại địa bàn xã Nhơn Tân. Ảnh: Đ. THẢO |
Theo các chuyên gia y tế, đây là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh dễ bùng phát thành dịch lớn. Dù tại Bình Định, dịch sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng người dân cũng phải hết sức chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Bác sĩ CKII Trần Thượng Dũng, Trưởng Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh, tư vấn: Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt nhưng mọi người cũng nên cẩn thận phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin theo hướng dẫn của ngành Y tế, mang khẩu trang nơi đông người. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đã quay trở lại. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân nên loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, nằm màn; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Để phòng bệnh tay chân miệng, người lớn phải rửa tay với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước. Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm như đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa... Khi trẻ mắc bệnh, tạm thời không đưa trẻ đi học.
Tác giả bài viết: Đỗ Thảo/baobinhdinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn